Điện góp phần phát triển ngành nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao

Cà Mau, một trong những vùng đất tiềm năng phát triển kinh tế thủy sản lớn nhất Đồng Bằng Sông Cửu Long, là vựa tôm lớn nhất cả nước.

Vuông nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.
 
Với chiều dài bờ biển 254 km, diện tích ngư trường khoảng 80 nghìn km2, diện tích nuôi trồng thủy sản trên 296.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm xuất khẩu hơn 266.000 ha, chiếm hơn 1/3 diện tích nuôi tôm cả nước.
 
Trên chặng đường đưa Cà Mau trở thành thủ phủ nuôi trồng, chế biến tôm chất lượng cao luôn có sự đồng hành của ngành Điện. Nhờ nguồn điện lưới quốc gia ổn định, Cà Mau đã tận dụng lợi thế vùng nước lợ, phát triển nghề nuôi tôm trở thành nguồn kinh tế chủ lực. Ngành Điện đã luôn nỗ lực, tìm kiếm nhiều nguồn vốn đầu tư hạ tầng điện để bảo đảm cung cấp đủ điện cho các vùng nuôi tôm Cà Mau đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao; tạo điều kiện cho người dân mở rộng diện tích nuôi tôm. Từ xuất phát điểm là một tỉnh nghèo ở cực Nam Tổ quốc, nay với sự hỗ trợ của nguồn điện lưới quốc gia, nền kinh tế Cà Mau đã khởi sắc, nhiều doanh nhiệp tìm đến đầu tư phát triển sản xuất, người dân tích cực vươn lên làm giàu. 
 
Cụ thể năm 2017, Công ty Điện lực Cà Mau đã dành gần 60 tỷ đồng đầu tư, nâng cấp và phát triển lưới điện trên địa bàn với khối lượng là 76km đường dây trung áp, 48,5km đường dây hạ áp và 5.810kVA dung lượng trạm biến áp, cấp điện chủ yếu cho 3 khu nuôi tôm công nghiệp lớn với 512,5 ha và 70 nuôi hộ dân nuôi dàn trải.  
 
Hiện nay Cà Mau phát triển nhiều loại hình nuôi tôm: Gần 10.000ha nuôi thâm canh; khoảng 95.000ha nuôi quảng canh cải tiến trên 173.000ha nuôi quảng canh truyền thống, đặc biệt trong đó có 175ha nuôi siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao. 
 
Trước thực trạng nuôi tôm theo hình thức quảng canh truyền thống gặp nhiều rủi ro, cũng như mô hình nuôi tôm công nghiệp gặp nhiều thua lỗ, nhiều hộ nông dân ở Cà Mau đã mạnh dạn đầu tư sang mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao bằng cách lót bạt, cho năng suất trên dưới 120 tấn/ha mỗi năm. Bắt đầu từ vài hộ nhỏ lẻ từ năm 2015, đến nay đã có tới hàng trăm hộ trên toàn tỉnh với diện tích nuôi đạt 175 ha đi theo mô hình nuôi tôm công nghệ cao này. Và một trong những yếu tố quyết định việc nuôi tôm theo mô hình này đạt năng suất cao chính là nhờ nguồn điện lưới 3 pha luôn được đảm bảo ổn định.
 
Trước đây gia đình anh Đinh Thạch Huân, ngụ ấp Đầu Sấu, xã Tân Hải, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau nuôi tôm công nghiệp trong ao đất. Nhưng vì luôn chịu nhiều rủi ro cao, có khi trắng tay thua lỗ, nên từ đầu năm nay, gia đình anh quyết định chuyển sang mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao. Mặc dù với mô hình này, gia đình anh phải đầu tư vốn gấp nhiều lần và kỹ thuật nuôi có phần khó hơn, nhưng anh Huân luôn tin tưởng sẽ thành công bởi một trong những yếu tố quyết định đạt năng suất cao đó là nguồn điện ở đây luôn đảm bảo. Vụ thu hoạch đầu tay này, anh Huân ước tính sẽ đạt sản lượng 7 tấn/ao, thu về gần 1 tỷ đồng, lãi gấp 5-6 lần so với mô hình trước đây.
 
“Năng suất và sản lượng đạt được là nhờ có nguồn điện, và sự quan tâm, hỗ trợ của ngành Điện trong công tác hướng dẫn an toàn điện, đảm bảo cung cấp điện đẩy đủ, kịp thời”, anh Huân chia sẻ.
 
Tuy nhiên hiện nay trên địa bàn tỉnh Cà Mau nhiều nơi đang phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao tự phát, không theo quy hoạch. Chủ yếu người dân sử dụng điện từ nguồn sinh hoạt để sản xuất. Ngành Điện khó có thể “chạy theo” để đầu tư nâng cấp lưới điện đáp ứng theo nhu cầu của người dân, dẫn đến điện áp không ổn định, thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải cục bộ, nhất là vào thời điểm vụ nuôi chính.
 
Do đó, để đáp ứng đủ nguồn điện lưới 3 pha, đảm bảo việc nuôi tôm theo mô  hình siêu thâm canh công nghệ cao đạt hiệu quả cao luôn là mục đích hướng đến của ngành Điện tỉnh nhà.
Hiện nay, Cà Mau có 34 nhà máy chế biến tôm xuất khẩu với tổng công suất 150.000 tấn thành phấm/năm. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh ước đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước, giải quyết việc làm cho trên 300.000 người.
 
Ông Nguyễn Văn Đô - Giám đốc Sở Công Thương Cà Mau khẳng định: “Hiện nay hầu hết diện tích nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh đều được ngành Điện bố trí cung cấp đủ điện phục vụ, góp phần quan trọng đối với kim ngạch xuất khẩu của ngành tôm, đem lại nguồn lợi nhuận đáng kể cho kinh tế tỉnh nhà”.
 
Anh Hồng Chí Tâm - Chủ cơ sở chế biến tôm khô Minh Tâm nổi tiếng ở Rạch Gốc cho biết: “Từ khi ngành Điện đầu tư lưới điện 3 pha phục vụ nuôi tôm, trải qua 2 đời làm giàu từ con tôm vùng đất Mũi, năm 2003 tôi đã mạnh dạn đầy tư 4 tỷ cho hệ thống máy móc phục vụ các khâu: Rửa, luộc, sấy, bóc vỏ và sấy khô, đạt năng suất 24-30 tấn/ngày, tạo điều kiện việc làm 30 công nhân với thu nhập trung bình 3 triệu/tháng”.
 
Nhờ điện lưới quốc gia luôn ổn định, hệ thống máy móc luôn được vận hành hết công suất, việc sản xuất, kinh doanh tôm khô của cơ sở ngày càng phát triển, khẳng định thương hiệu tôm khô Rạch Gốc.
 
Hiện nay, với sự phát triển đồng bộ của điện 3 pha, đường giao thông, hệ thống thủy lợi đã và đang được hoàn thiện góp phần tạo nhiều thuận lợi cho Cà Mau tập trung đầu tư ngành trọng điểm là phát triển con tôm Cà Mau theo nhiều mô hình để phấn đấu  đến 2021 đạt mục tiêu 2 tỷ USD, đưa Cà Mau trở thành vùng nuôi tôm trọng điểm nhất của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như của Việt Nam.
 

  • 29/12/2017 08:19
  • http://icon.com.vn