Hiệu quả từ việc lắp đặt công tơ điện tử và hệ thống thu thập dữ liệu từ xa

Thời gian qua, ngành Điện đã ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối và thu thập số liệu công tơ điện tử từ xa (AMR - Advance Meter Reading) phục vụ mục đích tự động hóa công tác khai thác, vận hành hệ thống phân phối điện, phòng ngừa và giảm thiểu tổn thất điện năng với hiệu quả mang lại rất khả quan.

Công nhân EVNSPC gắn công tơ cho các hộ dân.
 
Từ năm 2013, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) chủ động tổ chức triển khai mô hình AMR trên khắp các tỉnh, thành phố trực thuộc. Hệ thống AMR bao gồm các modem GPRS lắp tại các điểm đo (công tơ điện tử), có chức năng truyền số liệu thu thập theo chu kỳ 30 phút/lần và được xử lý, tổ chức, lưu giữ tại các server nằm ở Trung tâm Điều hành tại EVN SPC.
 
Việc ứng dụng công nghệ hiện đại thông qua lắp đặt công tơ điện tử và hệ thống điểm đo xa tại các trạm biến áp giúp nhân viên ngành Điện không phải trực tiếp đến tận hộ dân để ghi số điện ở từng công tơ. Bên cạnh đó, việc ghi chỉ số sai do nhầm lẫn, cập nhật thiếu chính xác cũng giảm hẳn, không còn tình trạng nhân viên ghi ước độ, tạm tính do khách hàng đi vắng. Nhờ tích cực lắp đặt công tơ điện tử, ngành giảm được lao động làm công tác ghi và nhập chỉ số. Ngoài ra, còn giúp ngành Điện nâng cao độ tin cậy về cung cấp điện, thường xuyên theo dõi, rà soát và phát hiện kịp thời một số trường hợp công tơ mất tín hiệu điện áp, công tơ hư hỏng,...
 
Đến thời điểm hiện nay, Công ty Điện lực Long An (PC Long An) lắp đặt 3.549 điểm đo số lượng điện tiêu thụ của khách hàng có trạm biến áp chuyên dùng, 4.632 điểm đo tổng trạm công cộng, 750 bộ tập trung để khai thác dữ liệu cho 100.000 khách hàng ánh sáng sinh hoạt tại tất cả các Điện lực và tiếp tục triển khai để hoàn thành lắp đặt trên 11.600 điểm đo. Hàng ngày, có hàng triệu bản ghi được lưu trữ, bao gồm số liệu quan trọng: Thông số vận hành, sản lượng điện tiêu thụ và nhiều số liệu khác phục vụ công tác sản xuất, kinh doanh điện, đáp ứng hoàn toàn nhu cầu tự động hóa việc thu thập, xử lý số liệu quy mô lớn mà hình thức ghi chỉ số thủ công không thể giải quyết được.
 
Anh Phan Anh Minh, ngụ phường 5, TP.Tân An, chia sẻ: “Tiện ích của công tơ điện tử và lắp đặt hệ thống điểm đo xa mang lại cho khách hàng nhiều lợi ích. Đối với kiểm tra sản lượng điện tiêu thụ trước đây, khách hàng gần như bị động. Nhờ hệ thống đo, đếm từ xa, khách hàng dễ dàng giám sát và quản lý số liệu công tơ mình đang sử dụng theo từng thời điểm trong ngày. Điều này giúp việc mua bán điện được minh bạch hóa, khách hàng có thể theo dõi sản lượng điện sử dụng theo từng ngày”.
 
Bên cạnh đó, hệ thống AMR đang triển khai tại PC Long An còn có thể xử lý và phân tích số liệu thu nhận được, hỗ trợ cán bộ vận hành trong việc nhận biết cảnh báo, xuất báo cáo, hỗ trợ ra quyết định thông qua phần mềm ứng dụng chuyên biệt AMISS hoặc MDAS. Các phần mềm này mang đến cho người sử dụng cách nhìn hoàn toàn khác về công tác điều hành, quản lý phân phối điện. Nếu trước kia, chỉ những chỉ số chốt là được ghi chép, lưu lại định kỳ vài lần trong tháng thì bây giờ, tất cả thông tin liên quan đến hoạt  động của công tơ, quá trình cung cấp điện năng được gửi về trung tâm, có thể liệt kê gồm: Các thông số vận hành, sản lượng, chỉ số chốt, biểu đồ phụ tải; các thông tin sự kiện công tơ. Các thông tin này được lưu giữ và có khả năng truy xuất theo lịch sử để đánh giá chất lượng dịch vụ cung cấp trong một giai đoạn. Ngoài ra, người sử dụng có thể thiết lập các ngưỡng cảnh báo cho các thông số dòng điện, điện áp, tần số, góc lệch pha,... để kịp thời xử lý, khắc phục sự cố. Ở mức độ cao hơn, Chương trình đo, ghi từ xa (AMISS và MDAS) còn thống kê, đưa ra “thói quen sử dụng của khách hàng” để đưa ra cảnh báo “sự kiện bất thường” về dòng, áp, sản lượng, mức chi phí,... trong quá trình kinh doanh điện (đối với đơn vị điện lực) và sử dụng điện (đối với khách hàng tiêu thụ). Điều này giúp dự đoán sớm sự cố và giảm thiểu rủi ro thất thoát điện năng.
 
Đến nay, ở các điểm đo được lắp đặt, nhân viên ngành Điện không phải đến nhà khách hàng và các doanh nghiệp để ghi chỉ số điện năng tiêu thụ. Đây là lợi ích thiết thực nhất mà chương trình mang lại để tránh gây phiền khách hàng.
 
Chương trình đo, ghi từ xa được xem như một “trợ lý” đắc lực, giúp đơn vị quản lý, theo dõi nhóm khách hàng có cùng đặc điểm (như cùng trạm - xuất tuyến, cùng mức tiêu thụ, cùng ngành nghề,...), từ đó “ngoại suy” các sự cố mất điện, tính toán gây tổn thất cũng như thói quen tiêu dùng của khách hàng,... PC Long An luôn theo dõi hàng ngày hệ thống AM; đẩy mạnh triển khai lắp đặt công tơ điện tử và hệ thống thu thập dữ liệu từ xa áp dụng cho các trạm công cộng, trạm ranh giới và khách hàng lớn 3 pha 3 biểu giá, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng.
 
Thực tế triển khai hệ thống đo xa công tơ điện tử tại Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) cho thấy bước chuyển mình nhanh chóng và cơ bản cho toàn bộ cách tiếp cận công tác quản lý, vận hành hệ thống điện. Từ việc chuyển đổi mô hình thủ công sang bán tự động và tự động trong công tác thu thập số liệu đến việc xử lý, phân tích các dữ liệu có được, nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, chăm sóc khách hàng là cả một bước dài về ứng dụng công nghệ mới của ngành Điện.
 
Hệ thống AMR không chỉ triển khai trong toàn bộ công tơ 3 pha mà còn áp dụng đối với công tơ 1 pha thông qua các bộ thu thập số liệu tập trung để truyền về trung tâm xử lý. Hiện tại, EVN SPC triển khai thu thập dữ liệu từ xa hơn 1 triệu công tơ thuộc hệ thống đo, đếm điện năng sau công tơ tổng trạm công cộng theo công nghệ PLC. Các cấp quản lý có cái nhìn tổng thể hơn trên toàn mạng lưới. Triển khai hoàn thiện hệ thống AMR để lưu giữ các dữ liệu khách hàng, công tơ, bản đồ số, hiển thị tình trạng cung cấp điện trực quan. Khi đó, việc tính toán tổn thất điện, sự cố mất điện tại trạm - xuất tuyến sẽ được theo dõi theo nhóm khách hàng hoặc toàn bộ khách hàng trên bản đồ số. Đó là cơ sở cho việc xây dựng hệ thống quản lý tập trung của EVN SPC.
 
Với những hướng đi đúng đắn, sự chọn lựa hợp lý về đối tác và công nghệ, ngành Điện luôn mong muốn phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn, đáp ứng nhu cầu khách hàng với chất lượng cao, dịch vụ ngày càng hoàn hảo.
 
Việc ứng dụng công nghệ hiện đại thông qua lắp đặt công tơ điện tử và hệ thống điểm đo xa tại các trạm biến áp giúp nhân viên ngành Điện không phải trực tiếp đến tận hộ dân để ghi số điện ở từng công tơ. Bên cạnh đó, việc ghi chỉ số sai do nhầm lẫn, cập nhật thiếu chính xác cũng giảm hẳn, không còn tình trạng nhân viên ghi ước độ, tạm tính do khách hàng đi vắng. Nhờ tích cực lắp đặt công tơ điện tử, ngành giảm được lao động làm công tác ghi và nhập chỉ số. Ngoài ra, còn giúp ngành Điện nâng cao độ tin cậy về cung cấp điện, thường xuyên theo dõi, rà soát và phát hiện kịp thời một số trường hợp công tơ mất tín hiệu điện áp, công tơ hư hỏng,...
 

  • 04/01/2018 08:05
  • http://icon.com.vn