TP.HCM: Biến rác thành điện, phân bón

Công nghệ điện rác này giúp TP không còn chôn lấp rác, mang lại lợi nhuận kinh tế và lợi ích môi trường.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tham quan nhà máy thực nghiệm sản xuất điện rác Gò Cát. Ảnh: CTV
 
“Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.HCM, Citenco đang nghiên cứu thêm việc xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải sinh hoạt đã qua chôn lấp thành điện. Với rác thải đã qua chôn lấp, có thể tiến hành thực nghiệm trước với lượng rác thải đang chôn lấp tại Gò Cát. Từ đó giúp tạo quỹ đất sạch để xây dựng công trình nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân khu vực lân cận” - ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (Citenco), cho biết.

Xây nhà máy thực nghiệm
 
Cũng theo ông Nhựt, trong năm 2017, Citenco đã phối hợp cùng Công ty TNHH Thủy lực-máy đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại công trường xử lý rác thải Gò Cát (phường Phú Hữu, quận 9) với quy mô công nghiệp nhằm hòa lưới điện quốc gia (trung thế) 3.500 V hoặc 6.600 V.
 
Theo đó, ngay khi đề án thực nghiệm trên được UBND TP.HCM phê duyệt tháng 2-2017, Nhà máy thực nghiệm sản xuất điện rác Gò Cát (có nhiệm vụ chuyển hóa chất thải rắn công nghiệp thành năng lượng xanh) bắt đầu được triển khai thực hiện, vận chuyển và lắp đặt thiết bị. Đây là dây chuyền xử lý rác hoàn toàn tự động, khép kín. Đặc biệt, công nghệ nhiệt hóa rác được xử lý kín trong môi trường thiếu ôxy nên không phát thải thứ cấp; không phân biệt các loại chất thải rắn công nghiệp, sinh hoạt hay độc hại, miễn là chất thải loại có chứa năng lượng. Sản phẩm cuối cùng thu được là năng lượng xanh, thân thiện với môi trường.
 
“Công nghệ điện rác này giúp TP không còn chôn lấp rác, mang lại lợi nhuận kinh tế và lợi ích môi trường. Đến ngày 22-4-2017, nhà máy đã được vận hành và đã hòa lưới điện quốc gia. Kết quả thực nghiệm của đề án đã được báo cáo Thành ủy, UBND TP.HCM” - ông Nhựt nói.
 
Đào tạo kỹ năng xử lý rác y tế
 
Lĩnh vực xử lý chất thải cũng được Citenco đầu tư, cải tiến, nâng cao chất lượng xử lý. Cụ thể, đối với xử lý chất thải y tế, Citenco được UBND TP giao nhiệm vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác y tế tất cả cơ sở y tế trên địa bàn TP từ năm 1994. Tính đến nay công ty đang thực hiện thu gom rác thải y tế của 432 cơ sở y tế công lập, 253 cơ sở y tế ngoài công lập và 492 phòng khám tư nhân của ba quận, huyện Tân Phú, Bình Tân và Bình Chánh.
 
Để công tác thu gom đảm bảo tiêu chuẩn quy định nghiêm ngặt của Chính phủ về quản lý chất thải và Thông tư liên tịch 58/2015 của Bộ Y tế và Bộ TN&MT về quản lý rác y tế, công ty đã đầu tư 16 xe tải có trọng tải từ 0,8 đến 7,4 tấn, hai cụm nhà máy có công suất xử lý 28 tấn/ngày đặt tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân (công suất bảy tấn/ngày) và xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn (công suất 21 tấn/ngày).
 
Cứ trên 1 km2 ở TP.HCM thì có gần 5.000 người dân sinh sống, gấp 17 lần bình quân của cả nước. Điều này đã tạo sức ép rất lớn đến hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cấp nước, thoát nước, năng lượng… của TP. Đây chính là nguyên nhân làm cho các vấn đề môi trường không được giải quyết triệt để, ngày càng tích lũy và mức độ ô nhiễm không khí, nước và đất giảm rất chậm. Xuất phát từ thực tế đó, Citenco đã không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng xử lý chất thải nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng xanh, sạch của TP trong thời gian tới.
 
Ông HUỲNH MINH NHỰT,Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM
 
Ngoài ra, công ty tuyển chọn hơn 100 cán bộ, công nhân viên, kỹ sư để đào tạo kỹ năng thu gom, xử lý rác y tế. Hoạt động thu gom và xử lý rác y tế của công ty được sự giám sát chặt chẽ của Trung tâm Y tế dự phòng TP, Sở TN&MT, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường (PC49) Công an TP.HCM.
 
Mặt khác, việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ công nhân thu gom, quét dọn rác luôn được công ty chú trọng. Theo đó, các công nhân được tập huấn kỹ năng, nâng cao nghiệp vụ kỹ thuật, kịp thời nắm bắt những yêu cầu mới, trang thiết bị tiên tiến phục vụ cho công tác vệ sinh, đáp ứng tiêu chuẩn xanh, sạch ngày càng cao của TP. “Trên thực tế, công tác quét dọn, thu gom được công nhân vệ sinh thực hiện bài bản, đúng quy trình với công cụ lao động đang được cơ giới hóa và được các quận nghiệm thu, đánh giá chất lượng cao” - ông Nhựt cho biết.
 
“Đổi rác nhận quà”
 
Từ cuối năm 2013 đến nay, Citenco đã xây dựng mô hình “Khu phố xanh” kiểu mẫu. Theo đó, mô hình bước đầu xây dựng tại sáu tuyến đường gồm Độc Lập, Lê Lư, Lê Khôi, Tân Sơn Nhì, Cây Keo, Trần Hưng Đạo và đến tháng 7-2016 đã nhân rộng ra tiếp chín lô của chung cư A, B, C, D, E, F, G, H, I ở phường Tây Thạnh, quận Tân Phú với tổng số gần 2.000 hộ dân tham gia.
 
Ông Huỳnh Minh Nhựt cho biết thời gian đầu khi triển khai thí điểm, mô hình gặp không ít khó khăn do người dân chưa quen và không đồng thuận thực hiện phân loại rác tại nguồn. Công nhân của công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương, thanh niên tình nguyện nhiều lần kiên trì gõ cửa từng hộ để vận động, tuyên truyền, hướng dẫn, tặng thùng rác, túi nylon, triển khai việc “đổi rác nhận quà”. Nhờ vậy số lượng hộ dân tham gia tăng lên rõ rệt. Đến nay có khoảng 66% hộ dân ủng hộ tích cực. Việc phân loại rác tại nguồn không chỉ góp phần giảm chi phí trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác mà còn làm giảm ô nhiễm môi trường và giảm chi cho ngân sách TP. Rác sau khi phân loại sẽ được tách riêng thành rác hữu cơ, vô cơ và tiếp tục được xử lý để sản xuất phân compost, tái chế, sản xuất những “sản phẩm xanh” thân thiện với môi trường.

  • 09/02/2018 07:45
  • http://icon.com.vn