Điện mặt trời áp mái: Hứa hẹn một “vụ mùa” bội thu

Từ khi Chính phủ có Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, làn sóng đầu tư vào loại hình này ngày càng rõ nét.

 
 
 
Trong đó, một ngách nhỏ của điện mặt trời là điện mặt trời áp mái cũng thu hút sự quan tâm ngày càng lớn, đặc biệt trong năm 2018 và các tháng đầu năm 2019. Tại một số địa phương có tiềm năng về điện mặt trời, các công trình điện mặt trời áp mái xuất hiện ngày càng nhiều với tốc độ ngày càng nhanh.
 
Chuyển động mạnh mẽ
 
Sử dụng công cụ phân tích xu hướng tìm kiếm của Google với từ khóa “điện mặt trời áp mái”, có thể thấy rõ sự tăng trưởng đột biến lượng truy vấn thông tin về chủ đề này trong thời gian gần đây. Sự thay đổi đột biến về xu hướng tìm kiếm phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng cao của xã hội về điện mặt trời áp mái. Trong thực tế, sự quan tâm đó đang thể hiện sinh động và cụ thể với rất nhiều công trình đang được đầu tư tại các địa phương.
 
Tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Đăk Lăk là địa phương có tiềm năng phát triển điện mặt trời rất cao, cường độ bức xạ mặt trời trung bình đạt khoảng 5kWh/m2/ngày, tiềm năng phát triển điện mặt trời có thể đạt đến 95 GWh/năm. Tại địa phương này, một công trình điện mặt trời có công suất lớn nhất cả nước vừa được khánh thành ngày 09/3 vừa qua – cụm Nhà máy Điện mặt trời Srêpêk 1 và Quang Minh, tổng công suất lắp đặt 100 MWp. Bên cạnh đó là nhiều dự án điện mặt trời đã đăng ký đầu tư, một số đang được khẩn trương thi công để đi vào hoạt động trước 30/6/2019 nhằm hưởng cơ chế giá điện 9,35 USCents/kWh theo quy định tại Thông tư 05/2019/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công thương. 
 
Câu chuyện về điện mặt trời áp mái tại đây cũng có những diễn biến mới không kém phần sôi động. Anh Lê Hoài Nhơn – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk chia sẻ, năm 2019, đơn vị được Tổng công ty Điện lực miền Trung giao chỉ tiêu phát triển điện mặt trời áp mái đạt công suất 7 MWp. Nhưng mới chỉ trong 3 tháng đầu năm, đơn vị đã thực hiện vượt chỉ tiêu này. Hiện đã có 18 hộ khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái, tổng công suất 664kWp, mỗi tháng lượng điện phát ngược lên lưới khoảng 16.000kWh; bên cạnh đó, có 12 khách hàng là tổ chức, doanh nghiệp đã đăng ký và đang triển khai lắp đặt, dự kiến hoàn thành đưa hệ thống vào vận hành trước 30/6/2019 với tổng công suất 7.958 kWp. 
 
Một điều rất thú vị là, trong số 12 khách hàng là tổ chức, doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời áp mái, công suất lắp đặt nằm chính xác ở con số 998 kWp, tức vừa suýt soát nhưng không vượt ngưỡng công suất theo định nghĩa về công trình này: công trình lắp đặt theo hình thức áp mái và công suất nhỏ hơn 01 MWp. Đây là cách “lách” quy định một cách hợp lý của khách hàng, đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm sốt sắng của người đầu tư đối với loại hình này - tận dụng tối đa các điều kiện để xây dựng công trình có qui mô đầu tư lớn nhất có thể. 
 
Thầy Nguyễn Đình Long - Hiệu trưởng Trường Tiểu học dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm – TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, đưa chúng tôi tham quan hệ thống điện mặt trời áp mái và các phụ tải phục vụ nhà bếp của trường. Thầy cho biết: “Dàn điện mặt mặt trời này giúp nhà trường tiết kiệm đến 50% chi phí tiền điện hằng tháng. Trước đây, trung bình mỗi tháng trường phải trả trên 20 triệu đồng tiền điện, gần một năm đưa hệ thống điện mặt trời này vào hoạt động, chi phí điện của trường chỉ còn khoảng 11 triệu đồng mỗi tháng”. 
 
Được biết, hệ thống điện mặt trời áp mái này được nhà trường đầu tư năm 2018 với tổng chi phí gần 800 triệu đồng, công suất 32 kWp, sản lượng phát dự kiến khoảng 46.000 kWh/năm. Được hỏi từ ý tưởng như nhế nào mà nhà trường quyết định lắp đặt điện mặt trời áp mái, thầy Long cho biết, cũng là một đơn vị hoạt động kinh doanh nên nhà trường tính toán rất kỹ về hiệu quả công trình trước khi đầu tư, khi đã nắm chắc về hiệu quả thì quyết định đầu tư lắp đặt. “Là một người làm giáo dục nhưng tôi đặc biệt yêu thích công nghệ, thường xuyên lên mạng để tham khảo các thông tin phục vụ công việc. Gần đây qua mạng internet, được tiếp cận các thông tin về ứng dụng năng lượng mặt trời, biết đây là chủ trương của Nhà nước và qua phân tích thấy có nhiều lợi ích, tôi quyết định lắp đặt hệ thống điện mặt trời phục vụ các hoạt động của nhà trường” - thầy Long chia sẻ thêm. 
 
Thầy Long cho biết, thời gian qua, các trường bạn trên địa bàn có đến tham khảo về mô hình và hiệu quả đầu tư của công trình. Trên cơ sở hiệu quả rất rõ ràng, một số trường đã có kế hoạch sẽ đầu tư lắp đặt điện mặt trời áp mái.
 
Chị Lê Thị Nguyệt Ánh, địa chỉ tại 98/55C Y Wang, phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột là một trong những khách hàng cá nhân lắp đặt điện mặt trời áp mái phục vụ nhu cầu điện của gia đình. Chị cũng có những chia sẻ tương tự về hiệu quả lắp đặt hệ thống này. Hệ thống điện mặt trời áp mái của gia đình chị có công suất 4,78 kWp, lắp đặt từ tháng 10/2018. Trước khi có hệ thống này, tiền điện hằng tháng của gia đình chị luôn ở mức trên 3 triệu đồng/tháng. Từ khi hệ thống vào hoạt động, chi phí tiền điện hằng tháng giảm một nửa, còn ở mức 1,4 – 1,7 triệu đồng/tháng.
 
Cùng với sự quan tâm của khách hàng dùng điện về loại hình đầu tư này, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thiết bị, tư vấn, lắp đặt công trình điện mặt trời lắp mái cũng lập tức thể hiện sự nhạy bén của mình. Anh Trần Kim Tiền – Giám đốc Công ty TNHH Năng lượng mặt trời SolarBMT tại Buôn Ma Thuột, cho biết từ đầu năm đến nay, anh đã phát triển được 04 khách hàng, công suất lắp đặt từ 2 – 5 kWp. Hiện nay trong tay anh có hơn chục khách hàng tiềm năng đã đặt vấn đề lắp đặt, có khách hàng đặt công suất đến gần 01 MWp. Anh Tiền cho biết, ngoài Công ty anh, Đăk Lăk hiện có nhiều doanh nghiệp tương tự đang hoạt động. Sự tham gia của các doanh nghiệp tư vấn lắp đặt công trình là một mảnh ghép cần thiết trong bức tranh phát triển điện mặt trời áp mái tại các địa phương. Tuy nhiên, anh Tiền cũng cũng cho biết, hiện nay khách hàng chủ yếu vẫn còn tâm lý thăm dò, họ còn nghiên cứu và chờ đợi để đưa ra quyết định đầu tư…
 
Cần thêm thông tin và cơ chế hỗ trợ
 
Tâm lý thăm dò và chờ đợi của khách hàng là điều dễ hiểu. Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Công Hồng – Phó Giám đốc Sở Công thương Đăk Lăk cho biết: Người dân cần thêm nhiều thông tin về điện mặt trời áp mái: về chi phí đầu tư, tuổi thọ thiết bị, hiệu quả công trình, các vấn đề về mua bán điện với ngành điện… Hiện nay các thông tin đó chưa đến được người dân một cách rộng rãi, các cơ chế về mua bán điện cũng chưa được hướng dẫn rõ ràng, chi phí lắp đặt ban đầu cũng khá cao. Ông gợi ý: “Ngành điện cần tiên phong trong hoạt động này. Trước hết chọn 5 đến 10 khách hàng để hỗ trợ lắp đặt công trình. Sau khi đã thấy được hiệu quả thì tổ chức truyền thông rộng rãi đến người dân. Về mặt quản lý nhà nước, Sở Công thương sẽ đồng hành với ngành điện trên địa bàn, tham mưu tỉnh để có các quy định, hướng dẫn cần thiết đảm bảo tổ chức thực hiện tốt hoạt động này tại địa phương”.
 
Về công tác hỗ trợ khách hàng, ông Lê Hoài Nhơn – Phó giám đốc Công ty Điện lực Đăk Lăk cho biết: “Khi khách hàng có nhu cầu, liên hệ Điện lực, sẽ được hướng dẫn cụ thể về thủ tục, thỏa thuận vị trí đấu nối công trình. Trong quá trình khách hàng đầu tư, đơn vị tích cực phối hợp và xử lý các vướng mắc nếu có của khách hàng, liên quan đến các vấn đề về đấu nối, an toàn điện... Khi công trình hoàn thành, đảm bảo các điều kiện kỹ thuật theo thiết kế, Công ty tiến hành nghiệm thu công trình, hai bên thực hiện các thủ tục tiếp theo như ký hợp đồng mua bán điện, lắp đặt công tơ hai chiều để đo đạc sản lượng tiêu thụ, sản lượng phát lên lưới. Một số nội dung về mua bán điện, hiện đơn vị đang chờ hướng dẫn để thực hiện với khách hàng”.
 
Tổng công ty đặt ra mục tiêu trong năm 2019 phát triển điện mặt trời áp mái đạt công suất lắp đặt 48 MWp; hoàn thành lắp đặt điện mặt trời áp mái tại các đơn vị điện lực và các trạm biến áp trước 30/6/2019 với tổng công suất 9,4 MWp. Để hỗ trợ thông tin cho khách hàng về điện mặt trời áp mái, Tổng công ty Điện lực miền Trung đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về điện mặt trời và điện mặt trời áp mái. Website Chăm sóc khách hàng của EVNCPC (http://cskh.cpc.vn) cũng đã được bổ sung chuyên mục Điện mặt áp mái, trong đó có các thông tin tư vấn khách hàng lựa chọn hệ thống, các trình tự, thủ tục pháp lý và các vấn đề khách hàng thường quan tâm về vấn đề này. Bên cạnh đó, các EVNCPC kết hợp thực hiện tuyên truyền qua các kênh khác: Phòng GDKH, tờ rơi, sự kiện. EVNCPC cũng đã chỉ đạo Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung nâng cao năng lực để tích cực tham gia vào hoạt động này… Tuy nhiên, hiện nay công tác này còn khá mới mẻ, rất cần các đơn vị tiếp tục quan tâm để đưa thông tin về điện mặt trời áp mái đến khách hàng một cách rộng rãi, đầy đủ hơn.
 
Hệ thống điện mặt trời áp mái tại Nhà điều hành EVNCPC, lắp đặt đưa vào vận hành tháng 11/2017.
 
Về các chính sách hỗ trợ, được biết tại Hội thảo thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái do EVN tổ chức vừa qua tại Hà Nội, EVN và các tổ chức tham gia Hội thảo đã có một số đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách hỗ trợ khách hàng, như kiến nghị Chính phủ xem xét cơ chế hỗ trợ các hộ gia đình một phần kinh phí đầu tư ban đầu lắp đặt điện mặt trời áp mái; có cơ chế cho các nhà đầu tư (bên thứ 3) tham gia vào đầu tư; kiến nghị các nhà tài trợ, ngân hàng, nhà đầu tư, sản xuất, các tổ chức quốc tế và trong nước tham gia sâu rộng vào thị trường điện mặt trời tại Việt Nam, cung cấp các giải pháp, gói dịch vụ hấp dẫn khuyến khích khách hàng đầu tư và sử dụng điện mặt trời áp mái... Các nội dung kiến nghị này chính xác là những điều khách hàng đang cần để có thể mạnh dạn tham gia đầu tư vào loại hình này.
 
Như vậy có thể thấy rằng, mặc dù hiện nay điện mặt trời áp mái còn khá mới mẻ nhưng cũng đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của xã hội và bước đầu cũng đã có những chuyển động mạnh mẽ, cả trong hoạt động đầu tư của khách hàng cũng như sự tham gia của các doanh nghiệp. Chỉ còn một vài mảnh ghép nữa, về các cơ chế hỗ trợ của chính phủ, sự tham gia của các nhà đầu tư, các nhà tài trợ… trong lĩnh vực này là bức tranh về điện mặt trời áp mái sẽ hoàn chỉnh, hứa hẹn một “vụ mùa” bội thu.

  • 04/04/2019 07:41
  • Theo: CPC