Máy biến áp Made in Vietnam tiết kiệm chi phí, nhân lực cho thuỷ điện

Máy biến áp ba pha 500 kV "made in Việt Nam" đầu tiên ra đời từ EEMC đánh dấu mốc trong việc làm chủ công nghệ ngành thuỷ điện, điện lực.

 
 
Ông Lê Văn Điểm, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh. Ảnh: Giang Huy.
 
Trao đổi với VnExpress, ông Lê Văn Điểm, Phó TGĐ Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) cho biết đề án nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công máy biến áp (MBA) ba pha 500 kV mang nhiều ý nghĩa với an ninh năng lượng quốc gia. Sản phẩm đề cao tinh thần "Made in Việt Nam", hướng tới xuất khẩu sản phẩm của ngành điện lực Việt Nam ra thế giới.
 
PV: Tầm quan trọng của máy biến áp với các công trình thủy điện cũng như an ninh năng lượng như thế nào, thưa ông?
 
Ông Lê Văn Điểm: Trước khi EEMC ra đời máy biến áp ba pha 500 kV, các công trình trọng điểm quốc gia như Thủy điện Sơn La (Lai Châu) sử dụng các dòng máy nhập khẩu từ nước ngoài. Trên thế giới hiện có khoảng 10 nước chế tạo được dòng máy này, tại các quốc gia phát triển như Đức, Mỹ, Nga hoặc Trung Quốc...
 
Trong bối cảnh trên, nhằm mục đích làm chủ được khoa học công nghệ, phục vụ duy tu, bảo dưỡng MBA trên lưới điện quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã giao EEMC thực hiện đề án nghiên cứu, thiết kế và chế tạo MBA ba pha 500 kV.
 
PV: Theo ông, việc sử dụng các thiết bị máy biến áp nhập khẩu trước đây gặp những hạn chế gì?
 
Ông Lê Văn Điểm: Không chế tạo được sản phẩm, buộc phải mua của nước ngoài thì giá thành sản phẩm rất cao. Kéo theo đó là chi phí đầu tư tốn kém, nhà nước phải tăng tỷ suất đầu tư cho dự án, tăng nhập siêu và tiến độ bị ảnh hưởng.
 
Nhưng khi EEMC sản xuất thành công, các hãng trên thế giới phải chịu áp lực và tự động giảm giá thành sản phẩm, tới 20 đến 30% so với trước. Đây là lợi thế lớn giúp nhà nước giảm được tỷ suất đầu tư, hạn chế nhập siêu, tiến độ dự án được rút ngắn.
 
Máy nhập khẩu trước đây thường mất từ 9 đến 12 tháng mới về đến nơi, chưa kể lắp đặt và vận hành. Với MBA của EEMC, thời gian từ lúc sản xuất và đưa máy đến tận trạm chỉ 6 tháng.
 
Chế tạo thành công máy biến áp ba pha 500 kV, EEMC đã làm chủ được công tác cung cấp thiết bị, duy tu, sửa chữa và bảo dưỡng cho các công trình trọng điểm. Tiến độ dự án nhanh hơn, dòng điện được đảm bảo ổn định hơn và nhanh chóng hòa vào lưới điện quốc gia.
 
Trước đây, khi MBA 500 kV tại Thủy điện Yaly bị trục trặc, nếu đợi chuyên gia từ Nga sang sửa chữa thì thời gian mất khoảng 8 tháng. Nhưng EVN khi đó đã giao cho EEMC nhiệm vụ này, thời gian mất chỉ 3 tháng là khắc phục xong.
 
Thuỷ điện Sơn La, nơi đang sử dụng máy biến áp Made in Vietnam do EEMC sản xuất.
 
PV: Ông có thể kể lại những khó khăn, thách thức khi EEMC nhận đề án này?
 
Ông Lê Văn Điểm: Trước đây, máy biến áp ba pha 500 kV hoàn toàn nhập khẩu, chưa từng có đơn vị nào chế tạo dòng máy lớn này tại Việt Nam. EEMC có đội ngũ lãnh đạo, kỹ sư giàu kinh nghiệm và công nhân lành nghề. Trước đây, đơn vị đã tiên phong sản xuất nhiều loại MBA đầu tiên tại Việt Nam như 110 kV, 220 kV và 500 kV 1 pha, công suất 450M. Nhưng đề tài MBA ba pha 500 kV lại phức tạp hơn rất nhiều.
 
Điểm mấu chốt của dự án là khâu thiết kế. Đội ngũ chuyên trách tại EEMC phải tính toán thiết kế phù hợp khi máy nâng áp từ 18 kV lên tới 500 kV. Máy có nhiệt lượng rất lớn, đòi hỏi phải có bộ giải nhiệt hiệu quả với hệ thống làm mát cưỡng bức. Hệ thống được tính toán khả năng giải nhiệt phải đi vào từng phần tử của MBA trong quá trình làm việc nặng nhọc, đảm bảo an toàn tối đa.
 
Ngoài ra, những kỹ sư thiết kế phải tính toán trường hợp quá áp trên lưới điện và đặc biệt phải tính toán máy có khả năng chịu xung sét tới 1700kV.
 
PV: Yếu tố nào là quan trọng nhất trong đề án, thưa ông?
 
Ông Lê Văn Điểm: Con người là yếu tố quyết định. EEMC là doanh nghiệp có quá trình phát triển dài, từ năm 1971. Trong quá trình phát triển, doanh nghiệp đã đào tạo ra nhiều thế hệ kỹ sư, công nhân lành nghề và gắn bó. Con người cũng là yếu tố quan trọng nhất từ khâu sáng kiến, thiết kế, nghiên cứu và thử nghiệm MBA.
 
Ngoài ra, tổng công ty cũng đầu tư để nâng cấp các thiết bị công nghệ hiện đại, phục vụ việc chế tạo. EEMC đã đầu tư hệ thống sấy hơi dầu tiên tiến nhất trên thế giới. Hệ thống nhà xưởng được nâng cấp giúp đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm và độ bụi đạt tiêu chuẩn trong chế tạo MBA 500 kV.
 
Toàn bộ quá trình thực hiện đề án đều do người Việt làm chủ, từ chế tạo mô hình, thử nghiệm trên mô hình và ứng dụng vào sản phẩm.
 
PV: Sau thành công từ MBA ba pha 500 kV, EEMC đang có dự định phát triển và sản xuất thêm sản phẩm "Made in Việt Nam" nào?
 
Ông Lê Văn Điểm: Trước đây, EEMC đã chế tạo và lắp đặt thành công MBA 1 pha 500 kV tại Ninh Bình năm 2011 và Thủy điện Vũng Áng năm 2013. Gần đây nhất là MBA ba pha 500 kV tại Thủy điện Sơn La .
 
EVN giao EEMC phải làm chủ được công nghệ, chế tạo và lắp đặt để khi xảy ra sự cố có thể ứng phó trong thời gian ngắn nhất, đảm bảo an ninh lưới điện quốc gia.
 
EEMC đang đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương và Tập đoàn EVN cho phép nhận đề tài khoa học mới, nghiên cứu, thiết kế và chế tạo MBA 3x300MVA/500kV để đáp ứng và làm chủ hoàn toàn thiết bị điện trên lưới điện quốc gia.
 
Khi sản xuất và làm chủ được thiết bị, xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài là mong muốn lớn của Tổng công ty. Hiện tại, các sản phẩm của EEMC đã xuất khẩu thành công sang thị trường Lào và Campuchia, hướng tới xuất khẩu rộng hơn ra các nước trong khu vực, cạnh tranh với những hãng lớn trên thế giới.

  • 19/12/2019 07:46
  • Theo: VnExpress