Nhiều “ông lớn” nhảy vào lĩnh vực điện mặt trời

Năm 2019, một loạt các dự án điện mặt trời đi vào hoạt động, với tổng công suất dự kiến lên đến 2.200 MWp. Điều bất ngờ là thâu tóm những nhà máy điện mặt trời lớn hiên nay lại là các Tập đoàn kinh tế tư nhân đình đám.

 
 
Cụm dự án điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á của BIM Group tại Ninh Thuận.
 
Theo Bộ Công Thương, từ giữa năm 2018 đến nay, có hàng loạt các dự án điện mặt trời được khởi công và năm 2019 sẽ hòa lưới điện quốc gia, cung cấp thêm khoảng 2.200 MWp điện sạch. Riêng tỉnh Ninh Thuận, đóng góp khoảng 1 nửa công suất, với 10 nhà máy đã khởi công và đi vào hoạt động.
 
Dự án điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á trong tay Bim Group
 
Tháng 4/2019, Tập đoàn BIM Group chính thức khánh thành cụm 3 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 330MWp và hòa lưới điện quốc gia.
 
Dự án do Tập đoàn BIM Group và đối tác AC Energy - thuộc Tập đoàn Ayala (Philippines) là chủ đầu tư và Bouygues Energies & Services (Pháp) là nhà thầu chính. Với vốn đầu tư hơn 7.000 tỉ đồng, ba nhà máy BIM1, BIM2 và BIM 3 dự kiến sản xuất điện khoảng 600 triệu kwh/năm, phục vụ 200.000 hộ gia đình mỗi năm, trở thành cụm nhà máy năng lượng điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á tính tới thời điểm hiện tại.
 
BIM Group là tập đoàn kinh tế đa ngành lớn mạnh tại Việt Nam có lịch sử hình thành 25 năm. BIM 4 lĩnh vực kinh doanh chính của Tập đoàn này là: Phát triển Du lịch & Đầu tư BĐS,Nông nghiệp - Thực phẩm, Dịch vụ Thương mại và Năng lượng tái tạo. Ngoài ra, Bim Group còn nổi tiếng với việc “nuốt trọn” nhiều dự án BĐS khủng tại Phú Quốc với tổng diện tích 155.3ha và rất diều dự án đang triển khai tại Quảng Ninh.
 
Tập đoàn Bitexco chuyển hướng sang lĩnh vực năng lượng tái tạo
 
Dự án Nhà máy điện mặt trời Nhị Hà do Công ty TNHH MTV Solar Power Ninh Thuận (trực thuộc Bitexco Power) làm chủ đầu tư, quản lý và vận hành đã được Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh phê duyệt (tháng 4/2018) với tổng mức đầu tư là 1.113 tỷ đồng.
 
Dự án nhà máy điện mặt trời Nhị Hà (giai đoạn 1) của Tập đoàn Bitexco.
 
Sau 14 tháng kể từ khi được phê duyệt cấp chủ trương đầu tư, Nhà máy đã được hoàn thành thi công 25.240 móng cọc, lắp đặt 1.262 khung giàn và 151.440 tấm pin trong 102 ngày đêm. Dòng điện thương mại đầu tiên của Nhà máy điện mặt trời Nhị Hà (giai đoạn 1) đã chính thức hòa lưới điện quốc gia.
 
Khi đi vào vận hành phát điện thương mại, Nhà máy sẽ cung cấp sản lượng bình quân hằng năm 80 triệu kWh, cung cấp nhu cầu điện sử dụng cho khoảng 22.000 hộ dân; đồng thời góp phần cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
 
Trong nhiều năm qua, Bitexco được coi là một “đại gia ngầm” trong lĩnh vực năng lượng. Đây là tập đoàn tư nhân hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam khi sở hữu trong tay hơn 20 nhà máy thủy điện từ Bắc trải vào Nam, nắm 15% cổ phẩn tại mỏ dầu Cá Tâm.
 
Nhiều dự án công suất nhỏ trải dài nhiều tỉnh thành trong tay Tập đoàn Thành Thành Công
 
Tháng 6 vừa qua,  Tập đoàn Thành Thành công  (TTC) và Tập đoàn Năng lượng Gulf (Thái Lan) đã tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy Điện mặt trời TTC số 01 và TTC số 02 tại Khu Công nghiệp Thành Thành Công, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.
 
Trước đó, tháng 10/2018, nhà máy điện mặt trời Phong Điền – Thừa Thiên Huế của Điện Gia Lai (thuộc Thành Thành Công) đã chính thức hòa vào lưới điện quốc gia và đây là nhà máy điện mặt trời đầu tiên tại Việt Nam được đóng điện.
 
Nhà máy điện mặt trời của TTC tại Tây Ninh.
 
Có thể nói, Thành Thành Công là một trong những doanh nghiệp Việt nhảy vào lĩnh vực năng lượng tái tạo sớm nhất ở Việt Nam với nguồn vốn đầu tư dự kiến khoảng 1 tỷ USD. Không giống như nhiều nhà đầu tư khác, Thành Thành Công chủ yếu làm những dự án công suất nhỏ trải dài nhiều tỉnh thành.
 
Ngoài ra, một số Tập đoàn kinh tế tư nhân khác đã nhanh chóng nhảy vào lĩnh vực điện mặt trời như: Tập đoàn Bamboo Capital, Tập đoàn Trung Nam…  Nhiều chuyên gia cho rằng, việc phát triển ồ ạt điện mặt trời, điện gió có mặt tích cực tăng tỉ trọng khai thác nguồn năng lượng tái tạo, giảm phát sinh nguồn điện trực tiếp gây ô nhiễm... Tuy nhiên, mặt trái là quá nhiều dự án điện mặt trời phát triển cùng lúc ở khu vực khi đấu nối vào đường dây hiện hữu dẫn đến khả năng phải đầu tư thêm lưới điện truyền tải, trạm biến áp...  Với suất đầu tư cao, chi phí sẽ được tính vào cơ cấu giá điện. Vì vậy không loại trừ khi tỉ trọng năng lượng tái tạo càng nhiều, giá điện người dân phải trả càng cao.
 
Bộ Công Thương vừa có báo cáo trình Thủ tướng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
 
Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng xem xét, phê duyệt cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời theo phương án 1 giá điện áp dụng trên toàn quốc (gọi là 1 vùng).
 
Tại tờ trình của Bộ Công thương, biểu giá mua điện của các dự án điện mặt trời nối lưới tại điểm giao nhận điện được quy định như sau: dự án điện mặt trời mặt đất có giá 1.620 đồng/kWh, tương đương 7,09 cent/kWh. Giá mua với dự án điện mặt trời nổi là 1.758 đồng/kWh, tương đương 7,69 cent/kWh. Dự án điện mặt trời mái nhà là 2.156 đồng/kWh, tương đương 9,35 cent/kWh.

  • 01/10/2019 11:09
  • Theo: Infonet