Những sáng tạo trị giá tiền tỷ

Tuy khác nhau về tuổi đời, tuổi nghề, nhưng họ đều có điểm chung là lao động hăng say, sáng tạo. Nhờ đó, những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của họ đã làm lợi cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng. Xin giới thiệu ba tấm gương lao động sáng tạo, hiệu quả tiêu biểu ngành Điện năm 2018.

Anh Nguyễn Văn Trọn, Công ty Điện lực Bình Phú nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ III năm 2018.

Cái khó ló... sáng tạo

“Thấy lãng phí là tôi tiếc, khó chịu, nghe đồng nghiệp than khó là tôi phải suy nghĩ. Cứ suy nghĩ mãi là có cách khắc phục, thế là có sáng kiến” – anh Nguyễn Văn Trọn, công nhân Tổ Treo tháo 2, Đội Quản lý Thiết bị đo đếm, Công ty Điện lực Bình Phú, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) chia sẻ về “bí quyết” trở thành 1 trong 7 gương mặt tiêu biểu của ngành Điện nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ III năm 2018.

Năm 2015, EVNHCMC chủ trương di dời điện kế từ trong nhà dân ra bên ngoài, tạo thuận lợi cho việc quản lý, đọc và ghi chỉ số công tơ. Hộp bảo vệ điện kế loại có gắn áp tô mát (CB) bên trong sẽ được thay thế mới. Thấy những hộp bảo vệ điện kế cũ vẫn còn rất mới, bỏ đi thì tiếc nên anh Trọn nảy ra ý tưởng tận dụng hộp cũ này để gắn điện kế cho khách hàng đặt ngoài trụ.

“Cứ thấy tiết kiệm được là tôi vui rồi” - Anh Trọn tâm sự và cho biết thêm: “Không phải sáng kiến nào của tôi cũng “tiết kiệm” ngay từ đầu, mà nhiều sáng kiến phải đầu tư mới, tốn kém, nhưng về lâu dài, sẽ mang lại hiệu quả kinh tế”. Ví dụ như, sáng kiến “Cải tiến hộp bảo vệ điện kế gắn kính cường lực thành điện kế gắn ngoài nhà khách hàng”. Trước đây, nhược điểm lớn của các hộp điện kế là khi phần nhựa PC bảo vệ hộp bị ố mờ, khi đọc và ghi chỉ số điện gặp khó khăn, đôi khi vì nhìn không rõ, nên ghi chỉ số sai, dẫn đến phiền hà cho khách hàng và phải thay hộp mới rất tốn kém.

Anh Trọn tâm sự: “Lúc đó tôi nghĩ, sao mình không cho cải tiến hộp bảo vệ điện kế có nắp bằng nhựa PC thành hộp bảo vệ có gắn mặt kính cường lực không bị ố mờ và sử dụng lâu dài? Tôi đề xuất ý tưởng này với lãnh đạo đơn vị. Tôi cố gắng thuyết phục, tuy chi phí ban đầu có cao, nhưng về lâu dài, sẽ mang lại hiệu quả lớn. Khách hàng nào gắn điện kế mới thì sử dụng hộp bảo vệ cải tiến này, còn những điện kế hiện có, chỉ cần thay nắp chụp hộp bảo vệ là xong. Như vậy, vừa tiết kiệm chi phí, tiết kiệm lao động khi thay vỏ hộp bị mờ, rất thuận lợi cho việc ghi chỉ số nhanh và chính xác hơn”. Chỉ tính riêng từ năm 2013 - 2017, anh Trọn đã có 7 sáng kiến làm lợi hàng tỷ đồng và giảm phiền hà cho khách hàng. Sáng kiến của anh được tặng Bằng khen, và anh Trọn lại tiếp tục phấn đấu để đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành Điện.

Ý tưởng chỉ là điểm khởi đầu

Kỹ sư Vũ Hoàng Tùng.

Có 11 sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học được áp dụng vào thực tế sản xuất trong giai đoạn 2013 - 2018, mang lại nhiều tỷ đồng, kỹ sư Vũ Hoàng Tùng là tấm gương lao động giỏi, lao động sáng tạo của Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương (PC Hải Dương). Chia sẻ về những sáng kiến, cải tiến của mình, kỹ sư sinh năm 1983 cho biết, anh nhớ nhất quá trình nghiên cứu giải pháp khắc phục sự cố chạm đất đối với trạm biến áp 110 kV.

Anh Hoàng Tùng kể: “Tôi về nhận công tác ở đơn vị từ tháng 10/2006. Ngay từ những ngày đầu làm việc, tôi đã phát hiện ra bất cập trong quá trình xử lý sự cố chạm đất đối với trạm 110 kV. Đó là, mỗi khi xảy ra sự cố, việc xử lý đòi hỏi phải cắt điện lần lượt từng đường dây, tìm đường dây có điểm chạm đất. Điều này làm gián đoạn khả năng cấp điện cho các phụ tải ở những đường dây liên quan, ảnh hưởng đến chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện, đến sự an toàn cho người và thiết bị, nhất là với những đường dây 35 kV đi qua các khu đông dân cư".

Đặc biệt, năm 2009, sau sự cố chạm đất phức tạp ở Trạm 110 kV Lại Khê, mất rất nhiều công sức, thời gian xử lý, anh Tùng thêm quyết tâm tìm ra phương án xử lý nhanh hơn cho những tình huống tương tự. Sau 5 năm ròng rã, nhiều ngày mất ăn, mất ngủ, kết quả nghiên cứu đã được đưa vào thử nghiệm ngày 31/8/2014 và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Theo ông Phạm Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương: “Với sáng kiến của anh Tùng, khi có sự cố, sẽ có tín hiệu cắt và phân loại nhanh khu vực sự cố để làm giảm thời gian xử lý, giảm thời gian mất điện, không chỉ góp phần nâng cao độ tin cậy đối với khách hàng mà còn giảm được nhân lực và những chi phí khác khi vận hành, mang đến hiệu quả cao đối với sản xuất, kinh doanh”. Thực tế qua 4 năm triển khai áp dụng sáng kiến cho thấy, đã giảm thiệt hại cho khách hàng và đảm bảo an toàn thiết bị cho Công ty, số tiền làm lợi lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Đây chỉ là một trong nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học của Vũ Hoàng Tùng đang được áp dụng tại Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương. Với anh, ý tưởng và đam mê nghiên cứu chỉ là điểm khởi đầu, còn động lực giúp anh gặt hái được thành công lại đến từ môi trường, sự hỗ trợ của đồng nghiệp. “Nếu không có được sự ủng hộ, khuyến khích của người phụ trách trực tiếp và lãnh đạo Công ty, tôi khó có thể hiện thực hóa các ý tưởng cũng như áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế như hôm nay”, kỹ sư 36 tuổi khẳng định.

1 năm tiết kiệm hơn 30 tỷ đồng

Kỹ sư Nguyễn Ngọc Nam kiểm tra tổ máy số 4, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh.

Kỹ sư Nguyễn Ngọc Nam hiện là Trưởng kíp lò máy, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh - một trong 12 gương mặt tiêu biểu được Ban tổ chức Festival sáng tạo trẻ tỉnh Quảng Ninh lần thứ 3 trao tặng danh hiệu “thợ trẻ giỏi”. Gặp anh Nam tại Lễ trao giải, tôi thấy anh khá giản dị, nói năng nhỏ nhẹ, đúng như nhận xét đến từ các đồng nghiệp: “Nam hoà đồng lắm. Thẳng thắn và thật thà”.

Nói về sáng kiến “Hiệu chỉnh lò hơi tổ máy số 1 và tổ máy số 2”, tiết kiệm chi phí khoảng 30-40 tỷ đồng/năm, anh Nam kể: Năm 2013, Nhà máy chính thức đưa vào vận hành cả 4 tổ máy. Tuy nhiên, sau thời gian vận hành, tổ máy số 1 và 2 luôn xảy ra sự cố ở lò hơi, trong đó có sự cố tắt lửa buồng đốt. Mỗi lần gặp sự cố này, công nhân sẽ mất khoảng 1,5-2 giờ khởi động lại tổ máy, không những gây gián đoạn quá trình phát điện mà còn thiệt hại khoảng 2-3 tỷ đồng/lần chi phí đốt than. Để sự cố tắt lò không còn xảy ra là quyết tâm cao nhất của tôi và anh em đồng nghiệp lúc bấy giờ”.

Nguyễn Ngọc Nam đã nghiên cứu lại tất cả các tài liệu và tiến hành điều chỉnh lại chế độ chạy của lò hơi, bằng cách thay đổi vị trí các ban gió. Nghe qua có vẻ đơn giản, nhưng để tiến hành các điều chỉnh thực nghiệm, trong vòng 1 tháng, kỹ sư Nam đã phải chui vào các vị trí có tiếng ồn lớn, bức xạ nhiệt cao lên tới trên 60% như: Vòi đốt than, vòi đốt gió, cửa xem lửa của lò… tìm hiểu phương thức vận hành, đặc tính và sự kết nối giữa các thiết bị. Sau hàng trăm lần hiệu chỉnh thực nghiệm, các đặc tính, thông số vận hành của lò hơi, anh Nam đã thuộc như “lòng bàn tay” và “bắt được đúng bệnh”. Chỉ sau 1 tháng nghiên cứu, hiệu chỉnh, tháng 2/2015, lò hơi tổ máy số 1 và số 2 đã chính thức đi vào vận hành ổn định, không còn xuất hiện tình trạng tắt lò.

Sự nỗ lực, bền bỉ đó đã góp phần làm cho phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo thực sự sôi nổi và có sức lan tỏa sâu rộng trong ngành Điện. Bên cạnh đó, những đóng góp tâm huyết, hiệu quả và trí tuệ của họ còn tô điểm cho hình ảnh người thợ điện thời kỳ đổi mới, góp phần xây dựng đội ngũ người lao động ngành Điện chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập, phát triển.

  • 23/04/2019 09:54
  • Theo:Tạp chí Điện lực, chuyên đề Quản lý và Hội nhập