Tài chính xanh cho năng lượng tái tạo

Trong chiến lược phát triển quốc gia bền vững, ưu tiên nguồn vốn hướng đến các khách hàng đầu tư vào những ngành sản xuất xanh, thân thiện môi trường, lĩnh vực năng lượng tái tạo (NLTT) có ý nghĩa hết sức quan trọng.

 
 
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Theo ông G.Xi-môn, Cố vấn Chương trình biến đổi khí hậu và năng lượng (Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên - WWF), để đáp ứng nhu cầu điện, giai đoạn 2016 - 2030, Việt Nam cần vốn đầu tư khoảng 7,8 tỷ USD đến 9,6 tỷ USD/năm. Rõ ràng, nếu theo bất cứ một kịch bản nào về tăng trưởng điện, với số vốn hàng tỷ USD mỗi năm thì nguồn vốn trong nước khó đáp ứng đủ nhu cầu.
 
Theo các chuyên gia, quá trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng tại Việt Nam từ nguồn năng lượng truyền thống sang các dạng NLTT đang là "cơ hội vàng" để thu hút đầu tư, kéo theo nhu cầu rất lớn về nguồn vốn tín dụng. Ðây là thời điểm thuận lợi để các doanh nghiệp (DN) tiếp cận nguồn tín dụng xanh cho các dự án NLTT. Một lợi thế hiện nay là suất đầu tư của các dự án NLTT đang giảm dần, nhất là đối với các dự án điện mặt trời. Theo ước tính, chi phí xây dựng nhà máy điện mặt trời hoặc điện gió dần dần sẽ rẻ hơn mức đầu tư dự án nhiệt điện than. Ðộng lực cho các nhà đầu tư dự án NLTT là lãi suất tín dụng ưu đãi; được ưu tiên về mặt bằng; miễn giảm thuế; ký được hợp đồng mua bán điện lâu dài với Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN)...
 
Ông M.A-pa-na-đa, Chương trình Sáng kiến tài chính xanh, Giám đốc Ðiều hành Tổ chức Allotrope Partners (Phi-li-pin) cho biết, tổng giá trị dư nợ trái phiếu xanh và bền vững của khu vực ASEAN lên tới 1,6 tỷ USD. Trong đó, 81% trái phiếu xanh của khu vực ASEAN có triển vọng tốt. Do đó, các DN có rất nhiều cơ hội để tiếp cận vốn cho các dự án NLTT từ nguồn tín dụng xanh này.
 
Theo nhiều DN, dù có nhiều triển vọng và điều kiện thuận lợi hơn trước nhưng hiện các dự án NLTT vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong huy động vốn, nhất là đối với các dự án có thời gian thi công nhanh như điện mặt trời.
 
Mặt khác, thời gian thẩm định, xét duyệt hồ sơ vay vốn của các ngân hàng, nhất là ngân hàng cấp tín dụng xanh từ nguồn các tổ chức tài chính quốc tế thường kéo dài. Chi phí đầu tư phát triển dự án NLTT mặc dù đã giảm nhiều nhưng nói chung vẫn còn cao so với đầu tư năng lượng truyền thống, nhất là đối với những dự án sử dụng công nghệ tiên tiến.
 
Một điểm khó khăn nữa là lĩnh vực NLTT tại Việt Nam mới phát triển, đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro cao cho nên rất cần các ưu đãi về thời hạn và chi phí vốn vay. Trong khi nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng thường là ngắn hạn. Hiện nay, các ngân hàng bắt đầu tăng dần tỷ trọng tín dụng xanh - tín dụng cho phát triển NLTT, tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa đạt kỳ vọng vì việc đầu tư vốn vào lĩnh vực này đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn; rủi ro cao, tiềm ẩn về nợ xấu. Cùng với đó, vấn đề phức tạp về kỹ thuật thẩm định các dự án NLTT - một lĩnh vực rất mới ở Việt Nam, cũng là trở ngại rất lớn, dẫn đến tín dụng xanh vẫn còn hạn chế.
 
Việc phát triển các ngành kinh tế xanh đòi hỏi giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, các bộ, ngành; các cơ chế từ chính sách thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, quy hoạch, chiến lược phát triển của từng ngành, lĩnh vực. Do đó, để cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực xanh, các tổ chức tín dụng cần được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi hoặc có cơ chế chia sẻ lãi suất cho vay. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, để thúc đẩy ngành NLTT phát triển mạnh mẽ thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần phát huy vai trò chủ đạo tiếp tục thực thi các chính sách tín dụng nhằm thúc đẩy hoạt động của tổ chức tín dụng hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh. Cần nỗ lực giải quyết quy trình thẩm định phức tạp và mất thời gian trong các ngân hàng; cải thiện tính hấp dẫn của những dự án do các nhà đầu tư dự án trình.

  • 04/11/2019 07:50
  • Theo trang tin nghành Điện