Tọa đàm “Tình hình thực hiện các chế độ đặc thù đối với người lao động trong các công ty Nhà nước”

Buổi Tọa đàm do Công đoàn Điện lực Việt Nam đăng cai tổ chức sáng ngày 09/10/2020 tại Hà Nội với sự tham dự của lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện lãnh đạo chuyên môn và Công đoàn Khối thi đua 9 Công đoàn Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước.

 
 
Đ/c Đỗ Đức Hùng, Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam phát biểu khai mạc tại Hội nghị.
 
Chủ trì buổi toạ đàm là Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam Nghiêm Thuỳ Lan (Khối trưởng); Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Lê Phan Linh (Khối phó); Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam Đỗ Đức Hùng (đơn vị đăng cai tổ chức Toạ đàm).
 
Dự buổi tọa đàm đại diện lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng chí Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam; đồng chí Trịnh Mai Phương, Ủy viên BTV Đảng ủy Tập đoàn, Trưởng Ban Truyền thông EVN. 
 
Đại diện lãnh đạo Công đoàn Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐVN: Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam, Tập đoàn Cao su Việt Nam; 
 
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Đỗ Đức Hùng, Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: chế độ đặc thù đối với người lao động trong các công ty nhà nước là một chính sách của Nhà nước quan tâm, động viên dành cho nhóm người lao động làm việc trong các ngành, nghề có tính đặc thù để phân biệt với các ngành nghề khác, đảm bảo sức khỏe, tái tạo sức của người lao động, đồng thời cũng là công cụ quản lý trong doanh nghiệp…Việc áp dụng chế độ đặc thù đã thể hiện được mục đích ý nghĩa đặt ra và đảm bảo sức khỏe, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lao động trong thực hiện công việc, động viên khuyến khích, đồng thời nâng cao thu nhập cho người lao động.
 
Ngày 3/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01/2020/QĐ-TTg về việc bãi bỏ 71 văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng ban hành. Theo đó, tại khoản 29 và khoản 56 Điều 1 bãi bỏ Quyết định số 234/2005/QĐ-TTg và Quyết định số 43/2012/QĐ-TTg về chế độ đặc thù đối với công nhân, nhân viên, viên chức một số ngành, nghề trong các công ty nhà nước.
 
Thực hiện Quyết định số 01/2020/QĐ-TTg, khi các Quyết định số 234, Quyết định số 43 bị bãi bỏ, có Tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã tạm dừng thực hiện, có đơn vị thực hiện chế độ chính sách theo cơ sở pháp lý tại văn bản khác. Đối với các đơn vị tiếp tục thực hiện chế độ đặc thù thì quyền lợi của người lao động được đảm bảo, yên tâm làm việc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
 
Đối với một số đơn vị tạm dừng thực hiện, ảnh hưởng rất lớn tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh khi người lao động rất tâm tư, thu nhập bị giảm sút. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các Tập đoàn, Tổng công ty được Nhà nước giao. Trong thời gian qua, Công đoàn các Tập đoàn, Tổng công ty liên tục nhận được phản ánh, kiến nghị của người lao động về việc đảm bảo chế độ đặc thù để được yên tâm công tác.
 
“Mục đích Tọa đàm là để làm rõ tình hình thực hiện các chế độ đặc thù trong thời gian qua để kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành chỉ đạo tiếp tục thực hiện các chế độ này đảm bảo quyền lợi của người lao động, qua đó thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của các Tập đoàn, Tổng công ty”, đồng chí Đỗ Đức Hùng nhấn mạnh.
Đ/c Nguyễn Mạnh Kha, Phó Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.
 
Tại buổi Toạ đàm, đại diện 9 Công đoàn Tập đoàn, Tổng công ty đã đánh giá về ý nghĩa, mục đích, sự cần thiết của các chế độ đặc thù đối với người lao động trong thời gian qua, đóng góp cho việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị; phản ánh tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của người lao động khi bị tạm dừng thực hiện chế độ đặc thù từ đầu năm 2020 đến nay; chia sẻ kinh nghiệm của các Tập đoàn, Tổng công ty tiếp tục thực hiện chế độ đặc thù để bảo đảm quyền lợi của người lao động; trình bày các vướng mắc khi thực hiện Bộ Luật Lao động 2019; các chế độ chính sách cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19…
 
Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Kha, Phó Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam: “Khái niệm Luật Doanh nghiệp hiện nay đã mở rộng đối tượng, từ việc quy định doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước đến 51% vốn nhà nước. Ngoài ra có một số doanh nghiệp liên doanh nước ngoài có 35% vốn nhà nước nhưng lại chi phối hoạt động và có tổ chức công đoàn hoạt động.  
 
Chế độ Thưởng an toàn là động lực cho NLĐ ngành Dầu khí tham gia bảo toàn tài sản và tạo lợi ích cho doanh nghiệp. Do vậy, nếu Thủ tướng Chính phủ quyết định không có duy trì chế độ này thì tổ chức Công đoàn nên có kiến nghị với chính quyền thông qua thỏa thuận để tiếp tục đề xuất duy trì thưởng an toàn cho NLĐ”. 
 
Hiện nay, ngành Dầu khí đã mở rộng nhiều ngành nghề, dịch vụ nhưng Danh mục các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động của của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa cập nhật được hết dẫn đến ảnh hưởng đến quyền lợi NLĐ không được nghỉ hưu sớm và hưởng chế độ ưu đãi với nghề. Tâm tư, nguyện vọng của NLĐ dầu khí mong muốn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục kiến nghị với các cơ quan chức năng tạo cơ chế để các doanh nghiệp nhà nước duy trì phụ cấp đi biển đối với NLĐ. 
 
Đồng chí Khuất Thị Lê, Chủ tịch Công đoàn Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn nêu thực tế: “Tiền lương tại đơn vị được tính theo lợi nhuận và năng suất lao động. Lợi nhuận của lọc hóa dầu Bình Sơn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố khách quan. Trong 5 năm gần đây, lợi nhuận của Công ty theo biểu đồ hình “sin”, luôn biến đổi. Trong khi đó năng suất lao động vẫn giữ nguyên và ngày càng tăng lên. Cụ thể, năm 2020, ngay từ đầu năm đến nay thì Bình Sơn ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 khiến giá dầu giảm sâu. Có thời điểm Nhà máy lọc dầu Bình Sơn phải tính phương án dừng sản xuất. Tuy nhiên, năng suất lao động không giảm. Do vậy, Công đoàn Lọc hóa dầu Bình Sơn mong muốn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị với các cơ quan chức năng xem xét cơ chế quỹ lương của công ty cổ phần, trong đó giữ nguyên quỹ lương đặc thù tính theo năng suất lao động cho NLĐ”.
 
Theo bà Lê, Quyết định số 01/2020/QĐ-TTg về thưởng an toàn và phụ cấp đi biển cần được tiếp tục xem xét với các nhà máy lọc dầu bởi đây là vấn đề hết sức quan trọng của nhà máy. Quá trình tổng thể bảo dưỡng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đạt 28.000 giờ công an toàn là mốc ít nhà máy trên thế giới đạt được. Thưởng an toàn có ý nghĩa động viên rất lớn với NLĐ. Nó mang lại hiệu quả vô cùng to lớn nhưng lại chiếm chi phí rất nhỏ (0,05%) trong chi phí sản xuất kinh doanh). Phụ cấp trên biển cũng nhỏ chỉ chiếm 0,01% trong hoạt động sản xuất kinh doanh. 
 
“Khen thưởng động viên kịp thời là động lực cho người lao động. Động lực nằm ở đâu” – đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam bày tỏ. “Đối với Tập đoàn, từ Đảng ủy, Tập đoàn, công đoàn luôn trăn trở nghiên cứu nhiều chế độ chính sách chăm lo NLĐ. Trong thỏa ước lao động tập thể cấp ngành đã đưa nhiều nội dung liên quan đến chế độ chính sách cho NLĐ, bổ sung các chế độ đặc thù để thu hút thợ mỏ. Thực tế hiện nay, lượng thợ mỏ nghỉ việc rất lớn. Chúng tôi đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhưng công nghệ máy móc chưa thay đổi được tỷ lệ lao động “sống”. Để thu hút được về cần nhiều chế độ. Nếu không có chế độ này thì thợ mỏ không làm”, ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
 
Đại diện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đồng chí Uông Quang Huy, Ủy viên BTV Công đoàn ĐLVN, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật cho biết: Đối với ngành Điện, theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Quyết định số 234/2005/QĐ-TTg, chế độ thưởng an toàn theo hai mức 15% và 20% lương cấp bậc, chức vụ áp dụng với công nhân, viên chức, lao động thuộc một số ngành nghề điều kiện lao động đặc thù. Thực hiện Quyết định số 234/2005/QĐ-TTg, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã xây dựng lại và ban hành Quy chế thưởng an toàn điện, rà soát các đối tượng được hưởng theo đúng quy định và áp dụng cho tất cả các đơn vị liên quan trực tiếp đến quản lý vận hành trong Tập đoàn. Quỹ thưởng an toàn điện được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh và không nằm trong quỹ tiền lương của công ty. Sau 21 năm thực hiện, chế độ thưởng an toàn điện đã khuyến khích NLĐ trực tiếp quản lý vận hành hệ thống điện quốc gia. Đây là chế độ đặc thù phân biệt về thu nhập giữa NLĐ tham gia vận hành hệ thống điện và NLĐ quản lý gián tiếp. Điều đó có ý nghĩa động viên rất lớn với NLĐ chịu nhiều áp lực khi làm việc trong môi trường nguy hiểm, phấn đấu bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện.
 
Ủy viên BTV Công đoàn ĐLVN, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Uông Quang Huy đưa ra nhiều ý kiến từ người lao động
 
“Để bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia, ổn định tư tưởng, đời sống người lao động, khuyến khích người lao động trong các đơn vị của ngành Điện phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam kính đề nghị Cục Quan hệ lao động và Tiền lương xem xét, trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông qua, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận: Cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam tạm thời tiếp tục thực hiện chế độ thưởng an toàn điện từ năm 2020 theo quy định tại Quyết định 234/2005/QĐ-TTg cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định tiền lương và các chế độ đặc thù mới cho công ty nhà nước, Tập đoàn sẽ thực hiện theo quy định mới của Chính phủ” - Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật Công đoàn Điện lực Việt Nam chia sẻ.
Đ/c Võ Hồng Quang, Phó Trưởng Ban Chính sách kinh tế xã hội và Thi đua khen thưởng phát biểu 
 
Sau khi nghe đủ 21 ý kiến phát biểu của lãnh đạo Công đoàn các Tập đoàn, Tổng công ty tại buổi Tọa đàm, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam, đồng chí Võ Hồng Quang, Phó Trưởng Ban Chính sách kinh tế xã hội và Thi đua khen thưởng cho biết: Đánh giá cao ý nghĩa, nội dung của buổi tọa đàm do Công đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức. Đây là những vấn đề rất thực tế tác động và liên quan đến người lao động, trong đó có ngành Công nghiệp quan trọng, truyền thống như ngành Than, ngành Điện, Dầu khí... đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội đất nước. Những ý kiến trao đổi, đề xuất, kiến nghị của đại diện người lao động tại Hội nghị này là cơ sở để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp thu, tổng hợp và báo cáo để Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị với lãnh đạo các Bộ ngành tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.
 
Kết luận toạ đàm, Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam Nghiêm Thùy Lan thay mặt Khối trưởng 9 Tập đoàn, Tổng công ty tổng hợp các ý kiến của các đơn vị, báo cáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để làm việc với các bộ, ngành Trung ương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho phép thực hiện các chế độ đặc thù đối với người lao động trong các công ty nhà nước. 
 
Ngày 03/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01/2020/QĐ-TTg về việc bãi bỏ 71 văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng ban hành. Theo đó, tại khoản 29 và khoản 56 Điều 1 bãi bỏ Quyết định số 234/2005/QĐ-TTg và Quyết định số 43/2012/QĐ-TTg về chế độ đặc thù đối với CN, NV, VC một số ngành, nghề trong các công ty nhà nước.
 

 

Link gốc

  • 12/10/2020 07:56
  • Theo trang tin nghành Điện