Bảo tồn hiệu quả động vật quý, hiếm

Bảo vệ động vật hoang dã đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm môi trường sinh thái, đa dạng sinh học. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng nuôi nhốt, giết, mổ, sử dụng sản phẩm động vật hoang dã vẫn xảy ra. Tại Bình Phước, những năm qua, công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm được chú trọng thực hiện. Qua đó bảo tồn hiệu quả nhiều động vật quý hiếm.

CHỦ ĐỘNG PHÒNG NGỪA

Vườn quốc gia Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập có 437 loài động vật với 105 loài thú, trong đó có 59 loài ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Đây còn là nơi cư trú của nhiều loài thú thuộc bộ linh trưởng, khu hệ chim có 246 loài, trong đó 17 loài có tên trong danh sách các loài nguy cấp, quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Trước nạn săn bắn, buôn bán động vật rừng trái phép như hiện nay, để chủ động phòng ngừa, thời gian qua, Vườn quốc gia Bù Gia Mập chỉ đạo Hạt kiểm lâm vườn xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; kế hoạch tuần tra, truy quét. Đồng thời phối hợp cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông, các đồn biên phòng trên địa bàn tuần tra, truy quét dài ngày tại những điểm có nguy cơ về săn bắt động vật hoang dã. Hạt kiểm lâm vườn phối hợp các đơn vị, cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng tổ chức tuần tra, truy quét khu vực nhận khoán; thường xuyên kiểm tra, nghiệm thu công tác khoán bảo vệ để đánh giá việc quản lý rừng, động vật hoang dã... Ban quản lý vườn đã thành lập 11 trạm kiểm lâm, 3 chốt bảo vệ rừng và 4 chốt barie đặt rải đều trên toàn lâm phần vườn. Qua tuần tra, truy quét, năm 2018 và từ đầu năm đến nay, vườn phát hiện 8 vụ vi phạm các quy định chung của Nhà nước về bảo vệ rừng. Trong đó có 1 vụ mang súng tự chế vào rừng nhằm săn bắn động vật. Đồng thời phá bỏ 25 luồng bẫy, tịch thu 1 súng tự chế và gần 1.000 dây bẫy.

 

Đoàn công tác của Ủy ban Tư pháp Quốc hội làm việc tại Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia MậpĐoàn công tác của Ủy ban Tư pháp Quốc hội làm việc tại Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Vườn cũng tập trung làm tốt công tác tuyên truyền và tiếp nhận, cứu hộ nhiều động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm như: voọc chà vá chân đen, vượn đen má vàng, rái cá, gà lôi trắng, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi dài, chích chòe lửa. Để đảm bảo sức khỏe động vật trước khi thả về rừng tự nhiên, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật trực thuộc Ban quản lý vườn tập trung chăm sóc dinh dưỡng, phòng, điều trị bệnh và tiếp tục theo dõi sau tái thả. Hiện nay, trung tâm tiếp nhận cứu hộ 29 cá thể động vật hoang dã. Trong đó có các loài nguy cấp, quý hiếm như: voọc chà vá chân đen, vượn đen má vàng, rái cá.

Cùng với các ngành chức năng, Công an tỉnh đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp đấu tranh, phòng ngừa vi phạm và vận động nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động tố giác hành vi săn bắt, mua bán, tàng trữ động vật hoang dã trái phép. Các phòng nghiệp vụ chủ động nắm chắc tình hình, xác định các tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm. Năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, Công an tỉnh phối hợp các ngành, lực lượng chức năng phát hiện 10 vụ/9 đối tượng vi phạm những quy định về bảo vệ động vật hoang dã. Trong đó có 3 vụ/2 đối tượng vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm. Đặc biệt, thời gian qua, định kỳ hằng quý, Công an tỉnh còn phối hợp công an các tỉnh Campuchia tổ chức giao ban định kỳ, qua đó nắm tình hình và phối hợp đấu tranh các hành vi liên quan đến xuất, nhập khẩu trái phép động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

PHỐI HỢP đấu tranh và CUNG CẤP THÔNG TIN

Theo đánh giá của Công an tỉnh, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã diễn ra khá tinh vi; việc nhận diện, xác định loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm gặp nhiều khó khăn, nhất là các sản phẩm động vật đã qua sơ chế. Trong khi đó, chi phí giám định khá cao, thời gian giám định kéo dài gây khó khăn cho công tác xử lý. Ngoài ra, do thiếu trung tâm bảo vệ, chăm sóc động vật hoang dã; thiếu dụng cụ, thiết bị bảo quản tang vật đã gây khó khăn cho công tác xử lý.

Ông Nguyễn Đại Phú, Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập cho biết, công tác quản lý, bảo vệ rừng, động vật hoang dã gặp một số khó khăn do vườn không có vùng đệm là rừng nên người dân dễ dàng xâm nhập để săn bắt, bẫy thú. Vườn thiếu chuồng trại tiếp nhận các loài, cá thể để cứu hộ; chưa có các khu tập luyện phục hồi bản năng chuyên biệt nên công tác tiếp nhận, tái thả chưa đáp ứng nhu cầu. Nhiều cơ sở mua bán trái phép động vật hoang dã chưa được xử lý triệt để.

Khi làm việc với đoàn công tác của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Dũng đề nghị các ngành chức năng tăng cường phối hợp đấu tranh và cung cấp thông tin; phải đưa vấn đề đấu tranh bảo vệ động vật hoang dã vào nội dung giao ban định kỳ; tăng cường rà soát các cơ sở, trang trại chăn nuôi và có thể thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở chế biến, cửa hàng bán hàng lưu niệm là các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã...

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng, cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành trong đấu tranh, phòng ngừa vi phạm và cung cấp thông tin. Gắn nhiệm vụ quản lý, bảo vệ động vật hoang dã với chương trình phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo, qua đó có giải pháp tạo sinh kế cho người nghèo, nhất là với những người ở gần rừng nhằm giảm tình trạng săn bắt động vật. Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng, thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã...

  • 01/07/2019 09:59
  • Theo: Báo Bình Phước