Đề xuất có cơ chế đặc thù cho dự án giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo

Thông tin trên được đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đưa ra tại buổi họp báo thường kì quý II/2019 của Bộ Công Thương, chiều 4/7.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, các dự án điện mặt trời ở Việt Nam đã phát triển rất nhanh chóng, trong đó tập trung nhiều nhất ở các tỉnh có tiềm năng lớn như Ninh Thuận, Bình Thuận.

Thứ trưởng Bộ Công Thương ĐỗThắng Hải chủ trì cuộc họp báo

Cùng với đó, việc phê duyệt, bổ sung các dự án điện mặt trời vào quy hoạch điện lực tỉnh chưa liên kết được với quy hoạch điện lực quốc gia (các dự án lưới truyền tải 220 – 500 kV thuộc quy hoạch điện lực quốc gia), dẫn tới tình trạng quá tải lưới điện ở một số địa phương.

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, trong quá trình xây dựng, thẩm định quy hoạch, Bộ Công Thương đã nhận thấy thực trạng này. Vì vậy, trong các quyết định bổ sung quy hoạch cũng nêu rõ: Trường hợp lưới truyền tải chưa đáp ứng kịp, các dự án năng lượng tái tạo phải giảm công suất phát để đảm bảo an toàn hệ thống điện.

Ngay sau khi phê duyệt các quy hoạch bổ sung, Bộ Công Thương cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo. Cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung các dự án lưới điện truyền tải vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Tuy nhiên, việc đầu tư, xây dựng lưới truyền tải 220-500 kV cần nhiều thời gian (ít nhất là 2 năm đối với dự án 220 kV và 3 năm đối với dự án 500 kV), còn các dự án điện mặt trời chỉ thực hiện trong khoảng 6 tháng. Do đó, lưới truyền tải không theo kịp tiến độ các nhà máy điện mặt trời.

Đó là chưa kể, việc triển khai các dự án lưới điện giải tỏa công suất năng lượng tái tạo cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật quy hoạch, cũng như trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. 

Cũng theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, nhằm sớm giải tỏa hết công suất các dự án điện mặt trời, đặc biệt là khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Chính phủ cho phép xã hội hóa, thu hút tư nhân tham gia vào việc xây dựng các công trình truyền tải điện. Đồng thời, Bộ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện do Tập đoàn đầu tư. 

Tính đến 30/6/2019, cả nước đã có 82 nhà máy điện mặt trời, với tổng công suất khoảng 4.464 MW đi vào vân hành.

Các dự án này được hưởng mức giá mua điện tương đương 9,35 Uscent/kWh, trong thời gian 20 năm theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

  • 05/07/2019 08:08
  • Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam