Hiệu quả từ ứng dụng CNTT vào công tác quản lý các nghiệp vụ mua bán điện năng đối với các nhà máy điện độc lập

Trên địa bàn miền Trung trải dài từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, các nhà máy điện độc lập phát triển khá nhiều bởi các nhà đầu tư khác nhau.

 
 
Hiệu quả từ ứng dụng CNTT vào công tác quản lý các nghiệp vụ mua bán điện năng đối với các nhà máy điện độc lập
Chương trình quản lý dữ liệu công tơ các nhà máy điện

Việc quản lý số liệu đo đếm ghi nhận điện năng mua và bán đối với các chủ đầu tư cần có độ chính xác cao và nhanh chóng. 

Trong những năm qua, EVNCPC đã đầu tư, xây dựng nhiều chương trình phục vụ cho công tác quản lý và định lượng loại hàng hóa đặc biệt này.
 
Đầu tiên là việc xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu đo đếm công tơ điện tử từ xa DSPM. Hàng tháng, việc mua bán điện năng giữa 2 đơn vị EVNCPC và chủ đầu tư được định lượng qua thiết bị đo đếm là công tơ điện tử. Dữ liệu công tơ được thu thập thông qua hệ thống phần mềm đọc dữ liệu công tơ (HES) và thông qua modem truyền thông truyền trực tiếp về trung tâm dữ liệu của EVNCPC sau mỗi chu kỳ 30 phút. Phần mềm quản lý dữ liệu công tơ này khai thác trực tiếp CSDL và phục vụ các Công ty Điện lực, các ban Tổng công ty giám sát, ra quyết định điều tiết hiệu quả nguồn cung cấp điện từ các nhà máy. Ngoài ra, phần mềm còn có chức năng kiểm tra, giám sát biểu đồ phụ tải để phát hiện các bất thường trong công suất phát từ các nhà máy.
 
Như vậy, kể từ khi có hệ thống thu thập dữ liệu công tơ điện tử và giám sát số liệu tại trung tâm dữ liệu EVNCPC, công tác ghi chỉ số, nhật ký vận hành tại các nhà máy điện không còn thủ công và phải đến tận nơi nữa. Việc này giúp tăng tính chính xác và hiệu quả quản lý của EVNCPC cũng như của chủ đầu tư.
 
Từ nguồn dữ liệu thu thập về trung tâm dữ liệu, năm 2017 EVNCPC đã xây dựng phần mềm hỗ trợ Công ty Điện lực và chủ đầu tư in biên bản chốt chỉ số trực tiếp từ chương trình. Biên bản được tính toán sản lượng điện EVNCPC mua từ chủ đầu tư cũng như phần sản lượng mà chủ đầu tư mua lại của EVNCPC. Việc tính toán sản lượng còn được thực hiện dựa trên các thỏa thuận mua bán về tỷ lệ tổn thất đường dây đấu nối và phương thức giao nhận giữa chủ đầu tư và EVNCPC. Với nội dung biên bản có khá nhiều thông tin, nhiều công tơ nếu phải thực hiện tính toán thủ công trên giấy rất dễ xảy ra sai sót về số học. Việc sử dụng khai thác nguồn dữ liệu đo xa để xuất biên bản đã giúp tăng hiệu quả xử lý công việc, chốt biên bản sản lượng với các chủ đầu tư.
 
Biên bản chốt sản lượng mua bán điện năng với chủ đầu tư từ chương trình điện năng đầu nguồn
Biên bản chốt sản lượng mua bán điện năng với chủ đầu tư từ chương trình điện năng đầu nguồn
 
Trong năm 2017, EVNCPC tiếp tục đầu tư xây dựng phần mềm chữ ký số điện tử áp dụng đối với các biên bản chốt chỉ số công tơ. Để sử dụng được phần mềm, các chủ đầu tư và các Công ty Điện lực có thể sử dụng lại các chứng thư số mà doanh nghiệp mình đã có hoặc có thể đầu tư mới với chi phí không cao. Đầu tháng, kể từ 0 giờ ngày 1 các chủ đầu tư có thể vào chương trình in biên bản ra file PDF và thực hiện ký số, biên bản sau khi được chủ đầu tư ký xong được chuyển ngay về Phòng Kinh doanh, Phòng Điều độ Công ty Điện lực để ký và chuyển tiếp lãnh đạo ký hoàn thành biên bản. Như vậy, chỉ cần vài thao tác chuột trên máy tính là 2 đơn vị chủ đầu tư và EVNCPC đã ký chốt xong biên bản mua bán điện giữa 2 bên. So với việc chốt ký biên bản trước đây, các chủ đầu tư in biên bản và đi hàng trăm cây số để ký mới thấy được chương trình ký số điện tử đã mang lại nhiều lợi ích cho chủ đầu tư cũng như EVNCPC.
 
Quá trình ký số biên bản chốt sau khi được thực hiện xong, theo thông lệ, các chủ đầu tư sẽ hoàn thiện bộ hồ sơ đề xuất thanh toán bao gồm giấy đề nghị, biên bản chốt, hóa đơn VAT và gửi đến EVNCPC. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng mất rất nhiều thời gian cho quá trình vận đơn đến EVNCPC và dễ thất lạc chứng từ.

Từ cuối năm 2018 và đầu năm 2019, EVNCPC đã cho xây dựng phần mềm quản lý hồ sơ đề xuất thanh toán. Các chủ đầu tư khi có hóa đơn VAT sẽ upload toàn bộ hồ sơ và được truyền tải đến EVNCPC thông qua phần mềm. Các Ban chức năng tại EVNCPC thực hiện thụ lý hồ sơ và xét duyệt hồ sơ để tất toán cho các chủ đầu tư. Bên cạnh hồ sơ đề xuất thanh toán, các chủ đầu tư còn giao dịch với EVNCPC thông qua các chức năng quản lý hồ sơ nhà máy như các chứng chỉ môi trường, biên bản nghiệm thu đo đếm…
 
Mô hình quản lý hồ sơ đề xuất thanh toán
Mô hình quản lý hồ sơ đề xuất thanh toán
 
Tính đến nay, EVNCPC đã đầu tư xây dựng các phần mềm phục vụ công việc quản lý chủ đầu tư, hồ sơ chủ đầu tư đến các nghiệp vụ mua bán điện năng, kiểm soát tổn thất hàng tháng tạo nên một quy trình khép kín giao dịch với các chủ đầu tư. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý kinh doanh còn tạo một không gian số trong quá trình giao dịch với EVNCPC, nhằm tăng thêm tính thân thiện của ngành Điện trong việc mua cũng như bán điện năng với khách hàng và nhà cung cấp.

  • 13/11/2019 08:05
  • Theo: CPC