Nỗ lực cung ứng và sử dụng tiết kiệm điện

Những ngày gần đây, nắng nóng gay gắt diện rộng duy trì liên tục ở mức 39 đến 40 độ C ở miền Bắc và miền Trung đã làm tăng lượng điện tiêu thụ, kèm theo tăng nguy cơ mất an toàn sử dụng điện.

Theo Trung tâm Ðiều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), lần đầu trong lịch sử, công suất đầu nguồn của hệ thống điện toàn quốc tại thời điểm 13 giờ 40 phút ngày 18/5/2019 đã đạt tới 36.006 MW; lượng tiêu thụ điện cùng ngày của cả nước cũng đạt cao kỷ lục ở mức 756,9 triệu kWh, vượt qua mức đỉnh cũ là 725 triệu kWh vào ngày 3/7/2018.

Nhiều đợt nắng nóng kỷ lục, kéo dài của mùa hè năm 2019 cũng ảnh hưởng tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện trên lưới và trong từng hộ khách hàng, dễ gây sự cố cháy, nổ. Trong khi đó giá dầu, khí, than đang tăng cao; phần lớn các hồ thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên và miền nam có lưu lượng nước về thấp.

Hiện tại, sản lượng thủy điện ở miền Trung, miền Nam chỉ khoảng 2 tỷ kWh, tương đương tổng phụ tải toàn quốc chỉ trong ba ngày làm việc. Theo dự báo, trong mùa khô và các tháng còn lại của năm 2019, lượng nước về các hồ thủy điện thấp hơn trung bình nhiều năm, nhiều hồ ở khu vực miền Nam đã gần về mực nước chết. Bên cạnh đó, nguồn khí sau nhiều năm khai thác cao đã suy giảm. Nguồn than trong nước hiện nay cũng không thể bảo đảm đủ cho sản xuất điện và đã phải nhập khẩu than…

Trong bối cảnh đó, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận nhằm đáp ứng đủ điện cho đất nước cả trong ngắn hạn và dài hạn. Ngành Điện đã huy động linh hoạt thủy điện theo lưu lượng nước về và nhu cầu phụ tải, bảo đảm nhu cầu sản xuất điện đến cuối mùa khô. Các nhà máy nhiệt điện than và tua-bin khí khu vực miền Nam đang và sẽ được huy động hết mức công suất.

Ðáng chú ý, EVN đã chủ động phối hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) để triển khai những giải pháp bảo đảm nhiên liệu cho phát điện; hỗ trợ tối đa để gần 100 dự án điện mặt trời đóng điện và đi vào vận hành chính thức, chủ yếu tại miền Nam, tạo nguồn cung điện sạch bổ sung cho lưới điện quốc gia.

Bên cạnh đó, việc phát triển điện mặt trời áp mái được coi là giải pháp hiệu quả để bổ sung nguồn điện sử dụng tại chỗ, giảm áp lực đầu tư nguồn và lưới điện mới, giảm tổn thất truyền tải. Chính phủ đã có cơ chế giá để khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái. EVN cam kết hỗ trợ đến mức cao nhất mọi yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, như đơn giản hóa các thủ tục đấu nối, cung cấp công-tơ hai chiều, thanh toán tiền điện kịp thời cho các hộ lắp đặt…

Sử dụng điện an toàn và tiết kiệm là đòi hỏi chung cho mọi cơ quan, công sở, nơi sản xuất và người dân, nhất là trong dịp nắng nóng. Theo khuyến cáo của ngành Điện, người dân cần lưu ý hạn chế sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn (như điều hòa nhiệt độ, bếp điện,…); sử dụng điều hòa nhiệt độ ở chế độ tối ưu (từ mức 26 độ C trở lên kèm quạt gió); tắt bớt nguồn sáng và phụ tải không cần thiết; sớm chuyển hẳn sang dùng các thiết bị chiếu sáng tiết kiệm điện. Hiện tại đã có khoảng 2.000 khách hàng lớn ký kết tự nguyện tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải cùng EVN…

Khả năng tăng cung ứng điện năng tùy thuộc vào năng lực sản xuất của EVN; quá trình xã hội hóa và cổ phần hóa ngành Điện. Câu trả lời về sử dụng tiết kiệm và an toàn điện những ngày tới phụ thuộc quan trọng vào hàng triệu hộ sử dụng điện cả trong sinh hoạt và sản xuất; nhất là phụ thuộc vào nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp cần thiết cả về hành chính và tài chính của EVN trong việc phối hợp các cơ quan chức năng liên quan.

  • 22/05/2019 08:28
  • Theo Báo Nhân dân Điện tử