Đó là mong muốn của Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải tại Hội thảo "Nâng cao chất lượng báo chí viết về Công đoàn và người lao động" do Báo Lao Động tổ chức ngày 24/5 tại Hà Nội nhân Tháng Công nhân 2019, hướng tới kỷ niệm 94 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2019), 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019).


Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Châu

Theo Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Đình Chúc, tổ chức Công đoàn đang tiến hành đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và phương thức hoạt động, lấy người lao động là trọng tâm phục vụ. Vì vậy, cách viết về Công đoàn, người lao động cũng phải thay đổi để nâng cao chất lượng bài viết, tuyên truyền đúng, chính xác mục tiêu của tổ chức Công đoàn đặt ra và mong muốn của người lao động, thu hút sự quan tâm của người lao động.

Trưởng Ban Công đoàn báo Lao Động Vũ Thị Thu Trà chia sẻ, để có những bài viết sinh động về đời sống người lao động, phản ánh một cách khách quan, chính xác suy nghĩ, tâm tư của họ thì phóng viên phải gần gũi, làm bạn với họ. Phóng viên Ban Công đoàn báo Lao Động đã nhiều lần vào vai công nhân đi xin việc làm, ở nhà trọ cùng công nhân để có tư liệu phục vụ triển khai các tuyến bài.

Tại Hội thảo, nhiều nhà báo, phóng viên cho rằng làm báo trong thời đại 4.0 cũng phải tính toán viết gì, đăng vào thời điểm nào, cách tiếp cận ra sao để người lao động sau nhiều giờ làm việc mệt mỏi vẫn quan tâm theo dõi. Các ý kiến mong muốn Tổng LĐLĐ Việt Nam cần tập huấn, trang bị kiến thức về tổ chức Công đoàn, cập nhật các điểm mới, chính sách, pháp luật liên quan tới người lao động; chỉ đạo Công đoàn địa phương có sự phối hợp, cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí, hỗ trợ phóng viên tiếp cận với doanh nghiệp đang gặp vấn đề như chây ì trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động, không đảm bảo điều kiện an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Nhà báo Mè Quang Thắng, báo Quân đội Nhân dân cho rằng, kết quả của công tác tập hợp, thu hút đông đảo người lao động vào tổ chức Công đoàn Việt Nam; xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh thời gian qua có sự đóng góp tích cực của các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo viết về mảng lao động, Công đoàn, phong trào công nhân. Các tin, bài phản ánh về hoạt động Công đoàn, người lao động luôn đảm bảo tính thời sự, chính xác, khách quan, đúng định hướng, có giá trị tuyên truyền, giáo dục cao, tính nhân văn sâu sắc.

Để tiếp tục có những bài viết chất lượng, Công đoàn các cấp cần đồng hành với báo chí, hỗ trợ phóng viên được tiếp cận ở nhiều khía cạnh, nhiều vấn đề từ đó có thêm nhiều bài viết phản ánh những mô hình hay, những kinh nghiệm quý trong phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn cũng như vạch trần những doanh nghiệp không vì lợi ích người lao động…

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ những người làm báo trong công tác thông tin, tuyên truyền về phong trào công nhân, tổ chức Công đoàn; mong muốn, đội ngũ phóng viên, nhà báo tiếp tục khai thác nhiều góc cạnh về các vấn đề trong đời sống công nhân, người lao động, phản ánh mối quan hệ giữa công nhân, người lao động với tổ chức Công đoàn, doanh nghiệp để có những bài viết chất lượng, mang lại hiệu quả cao, vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người lao động./.