Chiến lược năng lượng hydrogen và cuộc hành quân lớn của ngành Công Thương

Ngành Công Thương bước vào năm 2024 bằng những tín hiệu sáng về công nghiệp, xuất khẩu và khởi động cuộc hành quân lớn trên lĩnh vực năng lượng hydrogen.

Chỉ 15 ngày sau khi được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 165/QĐ-TTg, ngành Công Thương đã chính thức triển khai Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược năng lượng hydrogen).

Chiến lược năng lượng hydrogen được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng xanh, sạch và bền vững, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng như xu thế phát triển chung của thế giới.

Mục tiêu đặt ra trong chiến lược năng lượng hdrogen là phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen của Việt Nam dựa trên năng lượng tái tạo, bao gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối, sử dụng trong nước và xuất khẩu với hạ tầng đồng bộ, hiện đại để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo lộ trình và cam kết của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững, công bằng, công lý.

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển năng lượng Hydrogen ngày 22/2

Đây cũng là những mục tiêu lớn của phát triển đất nước không chỉ trong tiến trình chuyển đổi xanh mà cũng còn là niềm tin, sự kỳ vọng đặt lên vai ngành Công Thương. Và cũng với ý nghĩa đó, việc triển khai thực hiện Chiến lược hết sức quan trọng này cũng còn là cuộc hành quân lớn của ngành Công Thương.

Đó là cuộc hành quân của tâm thế chủ động, chủ động từ việc xác định mục tiêu đến những giải pháp, lộ trình để bảo đảm thành công của chiến lược năng lượng hydrogen, dẫu đây là lĩnh vực còn hết sức mới mẻ và không ít thách thức. Sự chủ động đó đã được thể hiện bằng việc sớm cụ thể hoá các định hướng trong việc phát triển năng lượng hydrogen được nêu lên Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị cũng như tại Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023) và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đó là cuộc hành quân mang tính toàn diện của ngành Công Thương để thực sự đưa năng lượng phát triển đi trước một bước, đem lại diện mạo mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Bởi đây là lần đầu tiên trong lịch sử phát triển năng lượng, Việt Nam triển khai một chiến lược năng lượng hydrogen với việc thực hiện một loạt cơ chế, chính sách mới, gồm đa dạng hóa nguồn vốn, hình thức đầu tư, thu hút sự quan tâm đầu tư của các danh nghiệp ngoài nhà nước, sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế; tăng cường đầu tư về khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực; áp dụng các công cụ thị trường thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn; ưu tiên đẩy mạnh hợp tác quốc tế và công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích của nền kinh tế hydrogen và các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng sạch đến toàn xã hội.

Đó cũng thực sự là cuộc hành quân thần tốc của ngành Công Thương trong vai trò chủ công thực hiện chiến lược để tạo ra những bảo đảm mới cho phát triển lâu dài bởi an ninh năng lượng chính là một trong những trụ cột bảo đảm an ninh quốc gia cũng như bảo đảm cho tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế đất nước.

Bộ Công Thương đã khẩn trương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương trong việc nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển năng lượng hydrogen, bảo đảm cẩn trọng, kỹ lưỡng và cập nhật đầy đủ các nội dung cơ bản của các Nghị quyết, Kết luận của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với tầm nhìn dài hạn; đồng thời, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia có uy tín, các tổ chức quốc tế để hoàn thiện dự thảo chiến lược và đi cùng đó là Kế hoạch thực hiện chiến lược năng lượng hydrogen trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đặc biệt thời gian từ khi được phê duyệt đến khi triển khai được đẩy nhanh trong khoảng thời gian ngắn kỷ lục, chỉ trong vòng 15 ngày. Để từ đó đưa Việt Nam trở thành một trong 40 quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt chiến lược này nhằm từng bước thay thế nguồn nhiên liệu hóa thạch trong tương lai.

Tại Hội nghị triển khai Chiến lược năng lượng hydrogen vừa diễn ra, một yêu cầu quan trọng hàng đầu trong triển khai chiến lược đã được Tư lệnh ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, đó là việc các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương cần nỗ lực và tập trung làm tốt công tác truyền thông phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng và các nội dung cốt lõi của Chiến lược; khẩn trương tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các Kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện các mục tiêu, giải pháp đề ra trong Chiến lược; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các quy định, cơ chế chính sách liên quan, đồng thời theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các dự án năng lượng hydrogen.

Tinh thần chỉ đạo này của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên một mặt được đúc kết từ những thực tiễn của công tác phát triển năng lượng thời gian qua, vừa nhấn mạnh đến yếu tố chủ động để từ đó có những kịch bản, giải pháp ứng phó nhanh có hiệu quả với thực tiễn. Cũng bởi Chiến lược năng lượng hydrogen liên quan đến nhiều ngành do vậy việc tạo sự đồng thuận trong phương cách thực hiện mang ý nghĩa sống còn để bảo đảm sự thành công của chiến lược.

Từ một đất nước phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hoá thạch, việc thực hiện bước chuyển đổi cơ bản sang các nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam đánh dấu một bước đi mạnh dạn, chấp nhận khó khăn, thử thách để đáp ứng xu thế thời đại, tận dụng được những cơ hội quý giá đang được mở ra, cũng là mở ra những dư địa mới để trong bất cứ bối cảnh nào, yêu cầu về an ninh năng lượng luôn được bảo đảm.

  • 22/03/2024 10:43
  • EVN