EVN: Tiếp tục tập trung các giải pháp đảm bảo điện cao điểm hè 2016

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng Thủy văn (về việc nhận định xu thế thời tiết thủy văn mùa mưa, bão, lũ năm 2016), hiện tượng Elnino tiếp tục tác động đến thời tiết các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ trong đó có TP Hà Nội, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, các đợt nắng nóng xảy ra từ đầu tháng 5 và chủ yếu tập trung vào các tháng 5,6,7.

Công nhân Tổng Công ty Điện lực Hà Nội sửa chữa đường dây đảm bảo điện hè 2016. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Toàn mùa có từ 7-9 đợt nắng nóng, nhiệt độ có thể lên tới 39-41 độ C không chỉ trong tháng 7 mà còn có thể kéo dài tới tháng 9/2016. Trong điều kiện thời tiết như vậy, ngành điện đã có những giải pháp gì để đáp ứng nhu cầu điện tăng cao ở địa bàn các tỉnh miền Bắc và khu vực Bắc miền Trung? PV trang tin điện tử ngành điện (Icon.com.vn) phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Dũng – Trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về nội dung này: 
 
PV: Thưa ông, được biết EVN đã đảm bảo cung ứng điện đầy đủ cho sản xuất và đời sống, sinh hoạt của nhân dân trong suốt 6 tháng đầu năm 2016, mặc dù có rất nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết, khí hậu thủy văn dẫn đến nhiều hồ thủy điện cạn nước. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?
 
Ông Nguyễn Quốc Dũng: Trong 5 tháng vừa qua, điện thương phẩm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đạt trên 61,997 tỷ kWh, tăng trưởng 12,49% so cùng kỳ 2015, trong đó điện thương phẩm nội địa đạt trên 61,234 tỷ kWh, tăng trưởng 12,81%. Điện cấp cho quản lý dân cư tiêu dùng tăng 12,29% so với cùng kỳ năm 2015.  
 
Để đáp ứng cho yêu cầu phụ tải như trên trong điều kiện khó khăn về cung cấp điện, việc tích nước các hồ thủy điện cuối năm 2015 không đạt yêu cầu, diễn biến thời tiết bất thường.., EVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai các giải pháp đồng bộ ngay từ đầu năm 2016 như: Điều hành hệ thống điện an toàn linh hoạt, kịp thời bám sát tình hình thời tiết, thủy văn, tình hình cấp khí, khai thác hiệu quả các nguồn điện. Chuẩn bị các phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất lợi. Phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Khí Việt Nam, các đơn vị phát điện đảm bảo nguồn phát cho hệ thống điện. Kiểm tra, đánh giá toàn bộ các hồ - đập thủy điện đã đưa vào vận hành phát điện để có biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn các hồ đập trong mùa mưa lũ năm 2016. Chuẩn bị đủ vật tư, thiết bị dự phòng. Hoàn thành kế hoạch đầu tư đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa lớn đường dây và TBA. Đảm bảo công tác quản lý kỹ thuật-vận hành lưới điện, phòng ngừa giảm sự cố. Đẩy mạnh việc tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả đến các khách hàng sử dụng điện.
 
PV: Theo dự báo, nhu cầu sử dụng điện trên cả nước vẫn tiếp tục tăng cao, nắng nóng trên địa bàn các tỉnh miền Bắc và Bắc miền Trung có thể kéo dài tới tháng 9, và vẫn còn nhiều đợt nắng nóng tới 39-41 độ C ở khu vực này. Vậy, EVN đã chuẩn bị như thế nào để đáp ứng tốt nhất nhu cầu điện cho khách hàng?
 
Ông Nguyễn Quốc Dũng: Xác định mục tiêu số 1 trong hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN là “Đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống nhân dân”, EVN tập trung mọi nỗ lực, triển khai các giải pháp cung ứng điện để đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu điện cho khách hàng. Các đơn vị thành viên của EVN đã xây dựng và chuẩn bị rất kỹ phương án đảm bảo điện theo các kịch bản khác nhau cho từng khu vực. Tập trung đẩy nhanh tiến độ, kịp thời đưa các công trình vào vận hành trước mùa nắng nóng để nâng cao năng lực cấp điện, lập phương án vận hành tối ưu, linh hoạt hệ thống điện nhằm đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu điện cho khách hàng. Trong quá trình vận hành hệ thống điện, việc cắt điện để sửa chữa, cải tạo và đóng điện các công trình mới có thể diễn ra, tuy nhiên đối với các ngày thời tiết trên 36 độ C, EVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên không thực hiện các công việc trên lưới có cắt điện mà làm gây mất điện của khách hàng.
PV: Không chỉ Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và khu vực Bắc miền Trung cũng sẽ chứng kiến 1 số đợt nắng nóng thậm chí hơn 40 độ C, nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng cao dẫn đến việc quá tải đường dây, nhảy áptomat. Vậy, EVN đã có các giải pháp gì để đảm bảo điện cho người dân? 
 
Ông Nguyễn Quốc Dũng: Trong các ngày nắng nóng, mặc dù hệ thống điện không bị thiếu hụt, tuy nhiên vẫn có thể có một số khu vực nhỏ bị mất điện như các nguyên nhân mà người dân đã phản ảnh là do quá tải đường truyền dẫn, nhảy áptomat v.v… Trước hết, tôi xin thay mặt ngành điện gửi lời xin lỗi đến các khách hàng bị ảnh hưởng bởi các sự cố không mong muốn này.
 
Để hạn chế tối đa việc mất điện có thể xảy ra cũng như giảm thiểu thời gian bị mất điện của khách hàng, EVN đã triển khai một số việc như: Bố trí lực lượng ứng trực khi nhiệt độ ngoài trời ≥35 độ C để kịp thời xử lý nếu có sự cố xảy ra, giảm thiểu thời gian mất điện của khách hàng, ưu tiên đảm bảo điện cho các hộ gia đình. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật vận hành, thực hiện nghiêm các quy trình, quy phạm. Thực hiện kịp thời các biện pháp san tải, cân, đảo pha, hoán đổi máy biến áp để tăng cường khả năng cấp điện. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, thực hiện tốt chương trình giảm vi phạm hành lang lưới điện. Tổ chức tốt hệ thống tiếp nhận thông tin báo mất điện của khách hàng để nhanh chóng xử lý, khôi phục cấp điện lại cho khách hàng trong thời gian sớm nhất. Tăng cường công tác tuyên truyền tiết kiệm điện, kịp thời trả lời khách hàng khi mất điện và cung cấp thông tin cơ quan báo chí khi có yêu cầu.
 
PV: Tại sao EVN khẳng định đáp ứng đủ nhu cầu điện cho khách hàng nhưng vẫn khuyến cáo người dân phải sử dụng tiết kiệm và không nên sử dụng nhiều thiết bị điện cùng lúc, thưa ông ? 
 
Ông Nguyễn Quốc Dũng: Việc sử dụng điện tiết kiệm – hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho khách hàng và ngành điện. Đặc biệt trong các ngày nắng nóng, để hạn chế mất điện cục bộ do quá tải các trạm biến áp phân phối làm gián đoạn việc cung cấp điện đến cho quý khách hàng sử dụng điện thì việc tiết kiệm điện là một giải pháp rất quan trọng. Để sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, khách hàng có thể áp dụng một số giải pháp rất đơn giản trong các hoạt động cuộc sống hàng ngày như: mua và sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng được dán nhãn, tắt các thiết bị khi không sử dụng, sử dụng các thiết bị làm mát như điều hòa, quạt, tủ lạnh theo các chế độ tối ưu. Khách hàng có thể tìm hiểu các thông tin về các giải pháp về tiết kiệm điện trên Website của ngành điện, Trung tâm Chăm sóc khách hàng và tại các phòng giao dịch khách hàng của Điện lực khu vực.
 
PV: Được biết, EVN đang triển khai chương trình "Gia đình tiết kiệm điện". Ông có thể cho biết kết quả đạt được của chương trình trong thời gian vừa qua?
 
Ông Nguyễn Quốc Dũng: EVN triển khai chương trình gia đình tiết kiệm điện từ năm 2010, đến nay sau 6 năm triển khai, cả nước đã có hơn 3 triệu lượt hộ gia đình tham gia chương trình với sản lượng điện tiết kiệm được hơn 300 triệu kWh/năm. Chương trình đã có tác động tích cực trong việc nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về sử dụng NLTK&HQ nói chung và sử dụng điện TK&HQ nói riêng.  
 
Trong giai đoạn 2016-2020, EVN sẽ tiếp tục thực hiện chương trình này theo hướng sâu rộng hơn với mục tiêu sẽ có khoảng hơn 20 triệu lượt hộ gia đình đăng ký tham gia chương trình tới năm 2020.  
 
Để tham gia chương trình, các hộ gia đình đăng ký theo mẫu và sử dụng  tối thiểu 1 trong 3 sản phẩm TKNL như: đèn compact, LED, bình nước nóng năng lượng mặt trời, thiết bị dán nhãn năng lượng (điều hòa/tủ lạnh biến tần) và có mức tiết kiệm tối thiểu từ 10% sản lượng điện tiết kiệm so với cùng kỳ, liên tục từ 6 tới 12 tháng. Các gia đình sẽ được ngành điện, cơ quan chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội đánh giá để lựa chọn trao giải “Gia đình tiết kiệm điện” hoặc “Gia đình tiết kiệm điện tiêu biểu”.
 
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông !

  • 04/07/2016 10:12
  • http://icon.com.vn