Hành trình chuyển đổi số của Công ty CP Thủy điện A Vương

Hòa mình cùng xu hướng phát triển như vũ bão của Cách mạng Công nghiệp 4.0, Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương (AVC) được vinh dự là Đơn vị thí điểm Thủy điện triển khai áp dụng các mô hình, giải pháp Chuyển đổi số (CĐS) đầu tiên của Tổng công ty Phát điện 2. Qua hai năm triển khai công tác chuyển đổi số, AVC đã có những bước đi thận trọng và gặt hái được nhiều kết quả khích lệ, qua đó góp phần thành công cho mục tiêu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025.

a Hung

Ông Ngô Việt Hưng trong buổi Hội thảo về Tự động hóa ngành Điện

Một doanh nghiệp muốn thực hiện “chuyển đổi số” thì cần hội tụ đủ 4 điều kiện tiên quyết như sau:
  • Chiến lược và Lãnh đạo: tầm nhìn và tư duy Lãnh đạo, định hướng về bức tranh tổng thể Chuyển đổi số mà doanh nghiệp cần đạt được.
  • Quy trình và Quản trị: đường lối, chính sách, cơ cấu tổ chức thực hiện.
  • Con người và Văn hóa: Đội ngũ thực thi, nhân tố then chốt và tài giỏi để đáp ứng yêu cầu đề ra trong quá trình thực hiện.
  • Công nghệ và Hạ tầng: Cơ sở hạ tầng công nghệ, khả năng và đáp ứng tài chính, mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp để thực hiện quá trình CĐS. Trong chặng đường Chuyển đổi số, 4 yếu tố này phải luôn luôn đan xen, hỗ trợ và xuyên suốt cùng nhau trong cả quá trình.
    file ảnh

    Các yếu tố trọng điểm trong hành trình Chuyển đổi số

Đầu tiên, khi xác định mục tiêu CĐS của Công ty, cũng như mong muốn xây dựng Nhà máy Thủy điện A Vương trở thành Nhà máy điện số đầu tiên, Ông Ngô Việt Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty đã thành lập Ban chỉ đạo 4.0 gồm đội ngũ các cán bộ có kỹ năng, nhiệt huyết, kết hợp cùng các Chuyên gia trong và ngoài nước, tổ chức các đợt đào tạo về Chiến lược, công nghệ chuyển đổi số tại Việt Nam cũng như tại Đại học SMU (Singapore). Trên cơ sở này, Ban chỉ đạo sẽ dẫn dắt, hướng dẫn các thành viên đi theo lộ trình chuyển đổi số đúng như kỳ vọng đã đề ra. AVC đã triển khai áp dụng các Hệ thống phần mềm quản trị chủ đạo, xuyên suốt trong Tập đoàn như: Hệ thống phần mềm Quản lý kỹ thuật PMIS, Hệ thống phần mềm Quản trị hoạch định nguồn lực ERP, phần mềm quản lý nguồn nhân sự HRMS, phần mềm quản lý đầu tư xây dựng IMIS… Song song với việc áp dụng các phần mềm, ứng dụng theo định hướng chung mà EVN ban hành, AVC chủ trương xây dựng các quy chế, quy định về CĐS: Ban hành quy chế làm việc của Ban chỉ đạo 4.0, Tổ công tác giúp việc, các báo cáo, hướng dẫn sử dụng, cập nhật ứng dụng phần mềm hỗ trợ cho toàn bộ các Phòng ban, Đơn vị trực thuộc về CĐS.

Các hệ thống phần mềm, ứng dụng số triển khai tại AVC

Về lĩnh vực Hạ tầng, Công nghệ, ngoài các nhiệm vụ theo Đề án Chuyển đổi số được giao từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như Tổng Công ty, AVC cũng đã chủ động nghiên cứu và đăng ký các giải pháp công nghệ như:
+ Xây dựng Hệ thống phần mềm quản trị thông minh XHQ, số hóa dữ liệu vận hành từ hệ thống điều khiển phân tán (DCS), các dữ liệu thủy văn, quan trắc và tập trung dữ liệu lưu trữ nhằm làm nền tảng, cơ sở cho việc phân tích, Bigdata;
+ Nghiên cứu và viết các giải pháp gửi thông tin thủy văn đến các Cơ quan chức năng trong việc điều hành, quản lý Hồ chứa thủy điện;
+ Cải tiến, thay đổi các mạch điều khiển analog trong Hệ thống phụ trợ tại Nhà máy Thủy điện bằng các Hệ thống điều khiển tự động, số hóa hoàn toàn; Bổ sung, nâng cấp hệ thống giám sát và theo dõi nhiệt độ tự động các Hệ thống/thiết bị tại Nhà máy.
Với tư duy và tầm nhìn chiến lược về CĐS, Lãnh đạo Công ty đã ưu tiên xây dựng một nhóm đặc nhiệm để thực thi yếu tố “Con người và Văn hóa” trong quá trình Chuyển đổi số tại Công ty. Điển hình thông qua việc kết hợp với các Đối tác chiến lược, các Chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm, tổ chức Hội thảo công nghệ trong và ngoài nước; nhằm đào tạo, nâng cao nhận thức, tư duy và kỹ năng chuyên môn của yếu tố Con người, làm nền tảng chủ đạo xuyên suốt trong chặng đường Chuyển đổi số của AVC.

Để phát huy thế mạnh và thành tựu mà “Chuyển đổi số” mang lại cho doanh nghiệp, đòi hỏi phải duy trì, phát triển và cải tiến không ngừng cả 4 yếu tố then chốt nêu trên, khai thác hết tiềm năng và giá trị hiệu quả to lớn mà “Chuyển đổi số” mang lại, giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển, gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa nguồn lực và tài nguyên đồng thời góp phần trong công cuộc đổi mới, hiện đại hóa, công nghiệp hóa Đất nước./.
                
Phạm Thiên Thanh
Phòng Kỹ thuật&An toàn

  • 06/03/2023 08:39
  • Nguồn EVN.GENCO2